Trần Dương

Hàng không Tín Nghĩa Express chưa hoạt động đã giải thể do không chịu nổi ảnh hưởng của dịch Covid-19

Admin

Trong bối cảnh khó khăn, tham vọng lấn sân sang lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không của Tổng Công ty Tín Nghĩa Express không thể triển khai được và đành giải thể sau gần 2 năm thành lập.

Tổng Công ty Tín Nghĩa, công ty mẹ của Tín Nghĩa Express.

HĐQT Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID) vừa thông qua chủ trương giải thể Công ty cổ phần Hàng không Tín Nghĩa Express, đơn vị thành viên của TID. Tín Nghĩa Express được thành lập ngày 8/8/2019, vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Tổng công ty Tín Nghĩa chiếm 45% vốn điều lệ, Công ty TNHH Lotus Viet Nam Investment 5%; Công ty Cổ phần Logistics Tín Nghĩa - ICD Biên Hoà 15%; Công ty Cổ phần APF Đồng Nai 25%.

Bà Lê Anh Thiên Thư góp 70 tỉ đồng (10%). Bà Lê Anh Thiên Thư cũng là người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Hàng không Tín Nghĩa Express.

Hoạt động chính của công ty là vận tải hàng hoá hàng không khi có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hãng bay này gần như chỉ tồn tại trên giấy khi chưa có đội bay, nhân sự và cả giấy phép kinh doanh hàng không chung. Trong khi chưa đủ điều kiện kinh doanh hàng không thì Tổng công ty Tín Nghĩa đã chủ động giải thể.

Việc giải thể Tín Nghĩa Express là hoàn toàn phù hợp với tình hình thị trường vận tải hàng không đang gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều hãng hàng không lớn trên thị trường đã báo cáo kinh doanh sa sút, thua lỗ, nếu có lãi là nhờ việc bán thanh lý tài sản, không hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Ở thời điểm thành lập, năm 2019, ngoài tổng công ty thì các bên còn lại chưa thực hiện góp vốn. Theo báo cáo tài chính cuối năm 2020, Tín Nghĩa chiếm 45% cổ phần tại Công ty cổ phần Hàng không Tín Nghĩa Express và giá trị ghi sổ của khoản vốn góp chỉ gần 3.3 tỉ đồng – tức chỉ mới góp một phần nhỏ so với tổng đăng ký góp vốn.

Từ giữa năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lập hãng hàng không mới sau năm 2022 khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới đồng thời giao Bộ này chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Tiền thân của TID là Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh Tổng hợp Đồng Nai (PROSECO) ra đời vào 9-1989. Cuối năm 2018, doanh nghiệp này niêm yết trên sàn Upcom với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. Hiện nay, Tỉnh ủy Đồng Nai đang giữ 48% cổ phần tại đây, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công giữ hơn 27% cổ phần.

Hoạt động kinh doanh chính của TID là hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản khác, thu mua xuất khẩu, chế biến cà phê, các loại nông sản, kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, gas đốt, lĩnh vực logistics…

Hiện TID có 10 công ty con (vốn góp trên 50%), 3 đơn vị trực thuộc và 6 công ty liên doanh liên kết (vốn góp dưới 50%), doanh số hàng năm đạt trên 10.000 tỉ đồng. Việc lấn sân sang lĩnh vực hàng không của TID có thể là bước tiến hóa của lĩnh vực logistics mà doanh nghiệp này hoạt đông. Tuy nhiên thời điểm chuyển hướng không thuận lợi đã khiến cho kế hoạch của doanh nghiệp này không triển khai được.

Yến Hạ