BCG Energy của đại gia Nguyễn Hồ Nam từ tham vọng IPO quốc tế đến việc mắc kẹt tại những dự án năng lượng dẫn đến nguy cơ vỡ trận tài chính

Admin

Dù mới tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) của đại gia Nguyễn Hồ Nam thể hiện tham vọng sẽ là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này. Thậm chí, ông Nam còn có ý định sẽ IPO trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, soi lại những dự án BCG Energy triển khai, có thể thấy pháp nhân này đang đứng trước nguy cơ vỡ trận ở bài toán tài chính.

BCG Energy tham vọng đạt 2.000 MW, 2025 IPO ở thị trường quốc tế

Tại ĐHCĐ năm 2021, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital cho hay, công ty đang đặt ra mục tiêu đến năm 2023 tổng tổng sản lượng phát điện trong danh mục đạt 2.000 MW.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital cho hay, công ty đang đặt ra mục tiêu đến năm 2023 tổng tổng sản lượng phát điện trong danh mục đạt 2.000 MW.

Cũng tại ĐHCĐ ông Nam tiết lộ, Bamboo Capital vừa hoàn tất đóng điện nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, 2 và 3 tại Bình Định có tổng công suất 330 MW với tổng đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng và nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long công suất 49 MW tổng đầu tư 920 tỷ, dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 46 MW tổng đầu tư 720 tỷ đồng.

“Trong năm 2021, BCG sẽ đầu tư tiếp các dự án điện mặt trời trang trại 500 MW, điện mặt trời áp mái 200 MW, điện gió ngoài khơi 500 MW, điện gió trên bờ. Đặc biệt, chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển các dự án điện khí LNG. Mục tiêu đến năm 2023, tổng sản lượng phát điện trong danh mục đạt 2.000 MW”, ông Nam cho biết thêm.

Không chỉ có thế, vị chủ tịch này còn cho hay, kế hoạch của Bamboo Capital là sẽ IPO ở thị trường quốc tế vào năm 2025 với mục tiêu hút vốn mạnh mẽ cho việc phát triển các dự án của công ty.

Ông Nam tiết lộ, mục tiêu là đưa các dự án năng lượng ra IPO ở thị trường quốc tế, nhằm huy động vốn giá rẻ từ nay đến 2025.

Những dự án mà BCG Energy mắc kẹt dẫn đến nguy cơ vỡ trận tài chính

Tính tới thời điểm hiện tại, BCG cho biết đã hoàn tất các thủ tục pháp lý đối với các dự án nhà máy điện gió BCG Wind Sóc Trăng có công suất giai đoạn 1 là 50 MW; dự án điện gió Khai Long 1, 2 và 3 với tổng công suất 300 MW tại Cà Mau; dự án điện gió Đông Thành 1,2 tại Trà Vinh có công suất 200 MW.

Tổng công suất các dự án điện gió của BCG Energy đã hoàn thành thủ tục pháp lý để đủ điều kiện triển khai thi công khoảng 450 MW. Để đầu tư các dự án này BCG cần khoảng 1,1 tỷ USD cho giai đoạn 2021 – 2023.

Tham vọng IPO quốc tế công ty BCG Energy, nhưng các dự án của công ty này đang mắc kẹt cả về tài chính lẫn pháp lý dẫn đến nguy cơ vỡ trận tài chính.

Để giải quyết bài toán tài chính nói trên, BCG đã huy động vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng với phần lớn dành cho các dự án điện gió.

Tuy nhiên, thách thức dẫn đến nguy cơ vỡ trận tài chính nằm ở chỗ: với dự án điện gió thì Quyết định 39 sẽ hết hạn vào 31/10/2021, hiện Chính phủ chưa có quy định mới.

Vấn đề đặt ra ở đây là: tất cả các dự án của BCG Energy thì không thể phát điện trước 31/10/2021 do chưa sẵn sàng về các trạm, đường dây dẫn nối. BCG dự kiến đấu nối vào cuối quý II/2022, một phần còn lại vào năm 2023.

Điều này dẫn đến nguy cơ phương án tài chính kinh doanh các dự án điện gió của BCG (thông qua các pháp nhân như BCG Energy, Công ty CP Phát triển Tầm nhìn Năng Lượng Sạch) vẫn đang mông lung, với cơ chế giá điện cạnh tranh, đang chờ Chính phủ, Bộ ngành xây dựng quyết định.

Có thể nói trực diện là BCG huy động vốn lớn, đổ tiền khủng vào các dự án nhưng không thể biết được mình lời hay lỗ vì giá thành còn chờ chính phủ và các bộ, ngành có liên quan quyết định.

Một vấn đề khác cũng cho thấy nguy cơ vỡ nợ của BCG Energy là công ty đã huy động 1.000 tỷ đồng bằng hình thức phát hành trái phiếu cho 3 dự án: BCG Sóc Trăng Wind 50MW, Aurai Vũng Tàu 100MW và dự án điện gió ở Cà Mau.

Trong cả 3 dự án nói trên không dự án nào kịp hưởng giá điện ưu đãi (FIT) và lần nữa cho thấy khả năng vỡ trận của BCG tại đây.

Dự án BCG Sóc Trăng Wind 50MW, dự án Aurai Vũng Tàu 100MW và dự án điện gió ở Cà Mau được BCG thế chấp dùng để huy động 1.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu nhưng không có phương án kinh doanh cụ thể, rõ ràng.

Không chỉ vướng mắc về bài toán tài chính, BCG còn vướng về thủ tục pháp lý. Cụ thể, tại dự án Nhà máy điện gió Công Lý (Xuyên Mộc) của Công ty CP Aurai Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu: việc triển khai dự án điện gió, phải bảo đảm không được ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và các dự án lân cận.

Theo đó, sau khi thống nhất các nội dung này, trình Thường trực UBND tỉnh vào giữa tháng 6/2021 cho ý kiến, sau đó trình Bộ Công thương xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Điều này có nghĩa là dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng này vẫn đang “đắp chiếu” để chờ thủ tục, hồ sơ từ các cơ quan hữu quan.

Như vậy, cho dù đặt ra tham vọng lớn nhưng hiện tại, các phương án tài chính tại BCG Energy là khá mờ mịt. BCG đổ vốn khủng, huy động tín dụng qua ngân hàng, huy động tín dụng qua phát hành trái phiếu… nhưng phương án kinh doanh, lời lãi tại các dự án này vẫn chưa xác định.

Câu hỏi đặt ra ở đây là BCG của đại gia Nguyễn Hồ Nam sẽ giải quyết bài toán tài chính, phương án kinh doanh như thế nào tại các dự án này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.

AN NHIÊN