Trước đó, doanh nghiệp thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ với giá không thấp hơn 50.000 đồng/cp.
Theo đó, nếu bán thành công số lượng cổ phiếu nói trên, số tiền thu về dự kiến tối thiểu là 300 tỷ đồng. Theo lãnh đão KBC số tiền nói trên là nhằm bổ sung vốn lưu động của công ty.
Về số lượng cổ phiếu nói trên, theo báo cáo tài chính hợp nhất của KBC, lô cổ phiếu nói trên có giá gốc là 364 tỷ đồng tương đương với giá 61.243 đồng/cp được mua vào thời điểm năm 2009. Như vậy, việc bán lô cổ phiếu này không mang lại lợi nhuận cho công ty.
Sắp tới, vào ngày 10/2/2022, KBC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để trình phương án phát hành tối đa 192 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư. Số tiền thu được sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nợ vay, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết. Nếu các đợt phát hành hoàn tất, vốn điều lệ có thể gấp 1,6 lần lên tối đa 9.177 tỷ đồng.
Trong năm 2021, KBC đã chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 34.096 đồng/cp. Bên cạnh đó, công ty còn huy động vốn qua 3 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 3.400 tỷ đồng. Vốn thu về phục vụ đền bù hạ tầng khu công nghiệp, thanh toán chi phí xây dựng, hợp tác với các công ty con thực hiện các dự án khu công nghiệp...
Về kết quả kinh doanh, năm 2021 KBC đạt doanh thu gấp đôi lên 4.309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp 3,5 lần lên 784 tỷ đồng. Theo đó, KBC thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Lý giải về việc chưa hoàn thành được mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận, lãnh đạo công ty cho hay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát tại các địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP HCM…, nơi có các khu công nghiệp và khu đô thị nằm trong kế hoạch ghi nhận doanh thu trong năm 2021 của tổng công ty đều bị phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài.
MINH TRÍ