Trần Dương

Công ty tài chính tiêu dùng: nhìn về tương lai

Nếu nhìn vào bức tranh dài hạn hơn, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá sẽ ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Các công ty tài chính ít nhiều gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu của Bộ phận Phân tích chứng khoán SSI, HD Saison – công ty tài chính của HDBank – ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 2-2021 đạt 299 tỉ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế sáu tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt 590 tỉ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quí 2, tổng thu nhập hoạt động của HD Saison đạt 1.306 tỉ đồng, tăng 20,7% và tương đương gần 44% tổng thu nhập của ngân hàng mẹ.

Kết quả trên được hỗ trợ bởi biên lãi ròng (NIM) tăng thêm 2,6 điểm phần trăm, lên gần 30%. Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động của công ty tài chính này cũng tăng mạnh, kéo tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) từ mức 35,4% lên 39,6%. Tính đến 30-6-2021, tổng dư nợ cho vay tín dụng của HD Saison đạt 14.393 tỉ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu đã nhích nhẹ từ mức 5,81% cuối năm ngoái lên 5,84% vào cuối quí 2. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 47,3% lên 54,8%.

Một công ty tài chính tiêu dùng khác là M-Credit, công ty tài chính do Ngân hàng MB sở hữu 50%, cũng tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm, doanh thu của M-Credit đạt 2.168 tỉ đồng, tăng 16%; lợi nhuận trước thuế đạt 346 tỉ đồng, tăng tới 188% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của M-Credit cũng tăng tới 77% so với năm trước, đạt 320 tỉ đồng. Dư nợ đạt mốc trên 10.000 tỉ đồng, tăng 18,3%, đây là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng duy trì được đà tăng trưởng dư nợ hai con số trong năm 2020.

Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng ước đạt 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng hiện đã tăng đáng kể, từ mức 1% năm 2011, lên mức 16,3% năm 2020.

Trong khi đó, với FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng có quy mô lớn nhất hiện nay, trong sáu tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh, đạt xấp xỉ 1.200 tỉ đồng, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do NIM của FE Credit giảm mạnh từ mức 29,1% xuống 25,4%. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) cũng chỉ đạt 12,3%, thấp hơn nhiều so với nửa đầu các năm trước.

Trong sáu tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân của FE Credit đạt 28.000 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, song vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng FE Credit tính đến ngày 30-6-2021 tăng 1,8%, lên 61.300 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong đó, đã có thêm khoảng 4.700 tỉ đồng là dư nợ cho vay tổ chức. Cơ cấu dư nợ tín dụng theo sản phẩm không có nhiều sự thay đổi.

Nhìn về tương lai

Suốt trong năm 2020 và đến thời điểm này của năm 2021, như tất cả các lĩnh vực khác, các công ty tài chính ít nhiều gặp khó khăn do dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến cho thu nhập của toàn bộ nền kinh tế giảm, thu nhập khả dụng của mỗi cá nhân cũng bị giảm theo kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng bị tiết giảm. Danh mục cho vay của các công ty tài chính về bản chất là tập trung vào những khoản vay cá nhân không có tài sản bảo đảm, khách hàng có thu nhập thấp – vốn là những người kém khả năng chống chịu về mặt tài chính trước các yếu tố kinh tế vĩ mô tiêu cực.

Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhiều khách hàng bị mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, về các quy định pháp lý, Thông tư 18/2019/TT-NHNN cũng đã làm hạn chế việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của nhiều công ty tài chính, cũng là sản phẩm chủ lực của các công ty mới gia nhập thị trường.

Tuy vậy, nếu nhìn vào bức tranh dài hạn hơn, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá sẽ ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng ước đạt 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong năm năm qua, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình 20%/năm, còn nếu so với năm 2012 thì dư nợ tín dụng tiêu dùng đã tăng 2,5 lần. Theo đó, thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng hiện đã tăng đáng kể, từ mức 1% năm 2011, lên mức 16,3% năm 2020.

Tính đến cuối năm 2020, đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng 22.000 tỉ đồng. Riêng FE Credit – hiện chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng – đã có hơn 11 triệu khách hàng, 19.000 điểm bán trên toàn quốc, 9.500 đối tác chiến lược với tổng dư nợ cuối năm 2020 đạt 66.000 tỉ đồng.

Thực tế, cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 một mặt mang đến thách thức cho thị trường tài chính tiêu dùng, nhưng mặt khác cũng tạo cơ hội thay đổi “cuộc chơi” khi xu hướng của khách hàng thay đổi, thể hiện qua việc thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt với thẻ tín dụng và tích hợp công ty tài chính tiêu dùng với các nền tảng trực tuyến.

Một điểm đáng chú ý khác là sự sôi nổi của hoạt động mua bán, sáp nhập trên thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua. Điển hình như thương vụ VP Bank bán 49% vốn điều lệ cho tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui với mức định giá lên tới 2,8 tỉ đô la Mỹ. Hay trước đó là thương vụ Hyundai Card (Hàn Quốc) mua 50% cổ phần (giá trị khoảng 42 triệu đô la Mỹ) của Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM).

Một công ty khác là Công ty tài chính cổ phần Handico (Haific) cũng nhận được sự quan tâm của cả ngân hàng trong nước như TPBank và các tập đoàn tài chính nước ngoài như AFS, KB Kookmin Card hay JB Financial Holdings, cho dù đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ.

Linh Trang