Trần Dương

Vn-Index thiết lập đỉnh mới ở mức 1.300 điểm, quỹ Pyn Elite Fund dự báo đỉnh 1500 điểm sẽ được lập vào cuối năm 2021 bất chấp Covid 19 tái bùng phát

Admin

Phiên giao dịch hôm qua 25/5, một lần nữa nhà đầu tư lại bất ngờ khi VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của dòng cổ phiếu ngân hàng. Trước đó, HNX-Index và VN30-Index băng qua vùng 300 điểm và 1.400 điểm. Đây đều là những đỉnh cao mọi thời đại của các chỉ số này.

Đà tăng điểm của thị trường phá tan những lo sợ về hiệu ứng "Sell in May". Kể từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 204,71 điểm lên 1.308,58 điểm (tương ứng tỷ lệ 18,54%). Trong khi đó, HNX-Index tăng mạnh lên đến 48,48% đạt 301,59 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 10,02%.

Trước đó, không ít nhà đầu tư hoài khi về vùng 1.200 điểm, chứ chưa nói đến vùng 1.300 điểm của chỉ số. Câu hỏi với nhiều người bây giờ là đỉnh tiếp theo của VN-Index là bao nhiêu?

Là một nhà đầu tư hoạt động nhiều năm tại thị trường Việt Nam ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund (Phần Lan) cho rằng: VN-Index đóng sẽ cửa năm 2021 tại 1.500 điểm. Cũng theo ông Petri Deryng xét về dài hạn vùng đỉnh thiết lập sẽ là 1.800 điểm.

Ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund (Phần Lan) cho rằng: VN-Index đóng sẽ cửa năm 2021 tại 1.500 điểm.

Đồng quan điểm này ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI phân tích: Thị trường sẽ dao động dưới 1.300 điểm và có thể đạt đỉnh trên 1.400 điểm, thanh khoản thị trường khoảng trên 16.000 tỷ đồng. Phân tích của ông Hưng trở nên chính xác khi chỉ 3 ngày sau phát biểu của ông thị trường lập mốc lịch sử mới khi cán mốc 1.300 điểm vào phiên giao dịch hôm qua.

Nguyên nhân chính của việc tăng điểm này có thể nói là tác động trực tiếp từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Theo đó, trong tháng 3 và tháng 4, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán mới. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,14 triệu tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước là 3,09 triệu.

Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm trên 80% giá trị giao dịch của thị trường. Đáng chú ý hơn, trong 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước bơm vào hơn 1 tỷ USD để mua vào cổ phiếu từ khối ngoại.

Ghi nhận thanh khoản trong tháng 5, giá trị khớp bình quân trên sàn HoSE đạt 17.759 tỷ đồng tính đến 25/5.

Với dòng tiền mạnh mẽ như vậy và lỗi hệ thống chưa được khắc phục khiến trong những phiên giao dịch gần đây, sàn HoSE lại xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh về cuối phiên dù đã nâng giới hạn từ 14.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng.

Lý giải về hiện tượng này, ông Hưng Chủ tịch SSI nói thêm: Lượng tiền chuyển từ gửi tiết kiệm sang thị trường chứng khoán vẫn rất lớn, "lớn đến mức công ty chứng khoán hết margin, thị trường vẫn tăng".

Một trong những điểm đáng chú ý khác theo phân tích của ông Hưng là: Dòng tiền nước ngoài không còn đóng góp nhiều vào chỉ số, dù nước ngoài bán ròng, chỉ số vẫn tăng và thanh khoản vẫn cao. Các quỹ nước ngoài vào để kiếm lời và khi đạt được lợi nhuận sẽ rút vốn. Các quỹ sẽ vào và rời thị trường theo các tiêu chuẩn khác nhau.

"Việc nhà đầu tư nước ngoài đến và đi đều nhắm đến lợi ích của họ, không phải giúp thị trường. Mặt khác, thị trường chứng khoán tại bất cứ nền kinh tế nào, quan trọng nhất vẫn là hướng đến tiền gửi của người dân. Các quỹ chỉ là xương sống để người dân dựa vào đánh giá và có thể tham gia qua đó", ông Hưng lý giải thêm.

Cũng theo ông Hưng, để duy trì đà tăng của thị trường thì: Từ nay đến cuối năm nếu khắc phục được lỗi hệ thống thì thị trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

MINH TRÍ