Trần Dương

Góc nhìn CTCK: VN-Index chưa thoát khỏi xu hướng giằng co, cơ hội vẫn xuất hiện ở nhiều cổ phiếu

Admin

Trong bản tin nhận định thị trường, hầu hết các Công ty chứng khoán cho rằng xu hướng giằng co trong vùng 1.380 – 1.400 điểm của VN-Index vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, cơ hội vẫn xuất hiện tại nhiều nhóm cổ phiếu và đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý hơn.

Phiên giao dịch 26/10 diễn ra khá tích cực với sắc xanh hiện diện trên các chỉ số dù có thời điểm VN-Index đã lùi xuống dưới mốc 1.380 điểm. Đóng cửa giao dịch, VN-Index tăng 6,23 điểm (0,45%) lên 1.391,63 điểm, gần sát mức cao nhất phiên.

Cùng với đà tăng của chỉ số, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng giảm đáng kể, chỉ còn hơn 60 tỷ đồng trên HoSE cũng là điểm sáng trong phiên giao dịch. Dù vậy, thanh khoản thị trường lại sụt giảm, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ còn hơn 19.400 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước cho thấy tâm lý giới đầu tư vẫn có phần thận trọng.

Trong bản tin nhận định thị trường, hầu hết các Công ty chứng khoán cho rằng xu hướng giằng co trong vùng 1.380 – 1.400 điểm của VN-Index vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, cơ hội vẫn xuất hiện tại nhiều nhóm cổ phiếu và đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý hơn.

Theo Chứng khoán Agriseco, thị trường bắt đầu phát đi một số tín hiệu tích cực sau phiên giao dịch 26/10 như: (1) các chỉ báo động lượng ngắn hạn RSI, Stochastic bắt đầu đảo chiều cắt lên; (2) mốc 1.380 điểm tiếp tục chứng minh đây là vùng hỗ trợ đáng tin cậy trong giai đoạn hiện tại và Index vẫn duy trì kênh tích lũy hướng lên.

Mặc dù vậy, mức thanh khoản lại sụt giảm nhẹ, điều này ngầm phản ánh tâm lý thị trường chưa đồng thuận và xu hướng lình xình đi ngang sẽ còn tiếp diễn trong các phiên còn lại của tháng 10. Đối với phiên tiếp theo (27/10), Agriseco dự báo Index sẽ tiếp tục tăng điểm do các nhóm vốn hóa lớn có tính dẫn dắt như thép và bất động sản vẫn đang nhận được sự chú ý của dòng tiền.

Agriseco cho rằng trong giai đoạn chỉ số có nhiều biến động và dòng tiền có tính phân hóa cao như hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế trading T+ mà thay vào đó là tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tích cực trong trung và dài hạn. Một số nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng như bất động sản, vật liệu xây dựng, đầu tư công, xuất khẩu.

Chung quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết chuỗi rung lắc của thị trường vẫn chưa có hồi kết, mặc dù xu thế đang đảo ngược trở lại (trong phiên 26/10), nhưng VDSC vẫn chưa tìm thấy được sự ổn định cần thiết để đánh giá thị trường đã đảo chiều thành công.

Như vậy, xu hướng rung lắc vẫn tiếp diễn, nhưng không vì thế mà cơ hội tìm kiếm cổ phiếu đầu tư sẽ bị hạn hẹp. Vẫn có nhiều cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền và tạo xu thế ổn định và đây là cơ hội cho các NĐT đưa vào danh mục của mình.

Tương tự, Chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên 27/10 và kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1.400 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.377 – 1,400 điểm trong ngắn hạn, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Yuanta đánh giá áp lực bán vẫn có dấu hiệu gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi ở nhóm này.

Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng đà hồi phục ở nhóm vốn hóa lớn (như chứng khoán, ngân hàng và thép) để hạ một phần tỷ trọng nhằm giảm rủi ro ngắn hạn, nhưng các nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Trong khi đó, Chứng khoán SHS cho rằng với việc tiếp tục giữ vững vùng hỗ trợ trong khoảng 1.375-1.380 điểm nên khả năng để VN-Index tiếp tục hồi phục trong phiên tiếp theo 27/10 để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm là vẫn còn. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán tăng thì có thể VN-Index sẽ cần test lại lực cầu tại vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375-1.380 điểm.

Cũng có quan điểm thị trường tiếp tục giằng co, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo VN-Index sẽ duy trì vận động trong vùng tích lũy 1.380-1.400 điểm khi các chỉ báo kỹ thuật chưa dấu hiệu thay đổi xu hướng.

BẢO SƠN