Góc nhìn chuyên gia: Sự chùng xuống về mặt thanh khoản chỉ mang tính tạm thời, tiền vẫn chờ sẵn trong tài khoản của nhà đầu tư

Admin

Trước những quan điểm về tâm lý nhà đầu tư hiện nay, đại diện HoSE cũng nhấn mạnh có sự thay đổi về cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư tổ chức, cá nhân để nhà đầu tư dễ hình dung. Trong đó, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện chiếm đến 83,9% giá trị giao dịch toàn thị trường. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm mạnh và chỉ còn chiếm tổng số khoảng 6% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Phiên giao dịch 28/7 kết thúc sự sụt giảm mạnh về thanh khoản trên thị trường. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt xấp xỉ 362 triệu đơn vị, đây là mức thấp nhất kể từ phiên 27/11/2020 khi khối lượng khớp lệnh phiên giao dịch này đạt 356 triệu đơn vị.

Câu hỏi đặt ra: Liên quan đến dòng tiền, có hay không sự hoang mang, e dè của giới đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Thảo luận vấn đề này tại Toạ đoàn mới đây, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên HĐQT phụ trách HoSE cho biết: "Theo dõi thị trường hằng ngày, thanh khoản ghi nhận giảm từ đầu tháng 7, bản thân chúng tôi cũng ngạc nhiên với phản ứng của thị trường. Trước đó, chúng ta đều kỳ vọng với hệ thống mới, nhưng thực tế thị trường lại giảm".

Sự chùng xuống về mặt thanh khoản chỉ mang tính tạm thời

Trên phương diện nhà phân tích thị trường, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCK Mirae Asset bày tỏ: "Theo quan sát của tôi, thanh khoản thị trường có sự chùng xuống, khi dịch bệnh bùng phát. Về yếu tố vĩ mô, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng, các chỉ số có thể bị ảnh hưởng. Dịch bệnh đã làm thay đổi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư từ quý 2/2021, ảnh hưởng tâm lý và ảnh hưởng đến quyết định giải ngân của nhà đầu tư. Nếu trong tháng 8, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tại các thành phố lớn thì dòng tiền sẽ sớm quay trở lại, bởi tiền trong dân rất lớn".

Ông Minh cũng dự báo nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành như công nghệ, logistic… vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong quý 3/2021. Do vậy, sự chùng xuống về mặt thanh khoản chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới. Các thị trường khác trong khu vực cũng đã ghi nhận giảm 10-15% trong giai đoạn đỉnh dịch nên với TTCK trong nước, nếu kiểm soát được dịch bệnh, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại. Bởi tâm thế của thị trường hiện nay đã khác, không như thời điểm quý 1/2020, khi dịch bệnh mới diễn ra.

Bổ sung quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Rồng Việt cho biết thanh khoản thị trường giảm mạnh so với mức bình quân 6 tháng đầu năm. Nếu nhìn tiêu cực thì bên mua không dám mua, nhưng nhìn ở góc độ tích cực cho thấy, bên bán cũng không muốn bán, mà chờ vào ổn định của nền kinh tế, vị này nói.

"Theo quan sát của chúng tôi, trong quý 3/2021, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực, bởi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng. TTCK đang đón đợi quý 3/2021 không mấy khả quan đến có sự quan sát thêm cũng hợp lý. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng vắc xin sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm ý nhà đầu tư. Nếu chúng ta đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin tại các thành phố lớn, thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục".

Nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện chiếm đến 83,9% giá trị giao dịch toàn thị trường

Khi thị trường có biến động lớn, nhà đầu tư có xu hướng lãi và điều này ảnh hưởng dòng tiền, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment cho biết thêm. Theo ông Trung, dịch bệnh Covid cũng sẽ ảnh hưởng đến tương lai, hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi chúng ta chưa biết được khả năng khống chế đến khi nào, nên tâm lý chờ đợi ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Nếu Covid sớm kiểm soát thì thanh khoản sẽ tăng. Cùng với đó, các chính sách tài khoán hỗ trợ sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, thị trường sớm ổn định trở lại.

Trước những quan điểm về tâm lý nhà đầu tư hiện nay, đại diện HoSE cũng nhấn mạnh có sự thay đổi về cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư tổ chức, cá nhân để nhà đầu tư dễ hình dung. Trong đó, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện chiếm đến 83,9% giá trị giao dịch toàn thị trường. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm mạnh và chỉ còn chiếm tổng số khoảng 6% giá trị giao dịch toàn thị trường. Cùng với đó, tổ chức trong nước hiện chiếm khoảng 7% trong tổng số (trước đó 2019 là 16%, 2020 là 10%).

Tỷ trọng margin cao nhưng không phải giải chấp, tiền có sẵn trong tài khoản của nhà đầu tư

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD, cũng nêu quan điểm: Khi chúng ta dự báo thị trường cuối năm 2021, nên tách thành 2 vấn đề: Kiểm soát dịch bệnh sẽ có tác động tới nền kinh tế và triển vọng thị trường chứng khoán.

"Với sự bùng phát dịch bệnh, nếu chậm trễ về miễn dịch cộng đồng thì GDP của Việt Nam có thể giảm xuống 5,1%, tôi quan ngại một chút về khả năng kiểm soát dịch bệnh, có thể việc kiểm soát dịch bệnh có thể phải kéo dài hết quý 3. Thậm chí, hết năm với tốc độ tiêm chủng hiện tại", ông Sơn nói.

Kiểm soát dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Khâu xử lý trong chuỗi đứt gãy cung ứng cho các doanh nghiệp, cho người lao động cần mất thời gian. Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ như gói 26.000 tỷ đồng, nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để cấp vốn cho doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận tín dụng ngân hàng…kênh phát hành trái phiếu rất tốt trong 6 tháng đầu năm.

Còn liên quan đến kỳ vọng tăng trưởng thị trường, TTCK đã có sự tăng trưởng mạnh từ tháng 3/2020 (đáy của chỉ số) lên đến hơn 1.400 điểm (tháng 6/2021) nên sự điều chỉnh chắc chắn xẩy ra, bởi thị trường không thể đi lên thẳng mãi. TTCK điều chỉnh khi dịch bệnh bùng phát nên cuối năm sẽ tốt hơn.

Đặc biệt, về dấu hiệu dòng tiền, theo ông Sơn tỷ trọng margin cao nhưng không phải giải chấp, tiền sẵn trong tài khoản của nhà đầu lớn, số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng… cho thấy sự lạc quan. Chúng ta đã xử lý được hệ thống giao dịch thông suốt, đây là yếu tố tích cực cho TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn nửa cuối năm.

TRI TÚC