Nếu so sánh với vùng giá hiện là thấp nhất trong năm 2022 của OGC là 7.470 đồng (phiên 27/1), giá cổ phiếu này đã tăng tới hơn 100% chỉ sau 1,5 tháng.
Mặc dù kế hoạch kinh doanh của năm 2022 của OGC đi lùi trong năm 2022 với tiêu tổng doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 56 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2021. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 34,5 tỷ đồng - chưa đến 1/3 con số dự kiến thực hiện năm 2021. Về chỉ tiêu hợp nhất, doanh thu dự tăng 87% lên 956 tỷ đồng, LNST ngược lại giảm 45% chỉ còn 39 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, riêng trong quý IV/2021, OGC ghi nhận doanh thu thuần giảm tới 74% so với cùng kỳ xuống mức 106 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh của công ty con OCH – vốn chiếm tới 98% doanh thu của cả Tập đoàn – trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Song, nhờ hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi với số tiền 50 tỷ đồng, bên cạnh đó là khoản thu nhập khác 19 tỷ đồng từ tiền đền bù vi phạm hợp đồng của đối tác theo phán quyết của cơ quan tòa án có thẩm quyền nên OGC vẫn lãi ròng gần 60 tỷ đồng trong quý 4/2021, gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, cổ phiếu OGC đang còn thuộc diện kiểm soát của HOSE do lỗ lũy kế nhiều. Tính đến thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 2.523 tỷ đồng, gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu (1.402 tỷ). Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc phải liên tục trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi của Công ty trong một số năm sau biến cố hồi 2014-2017. BCTC quý 4 ghi nhận khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đến cuối năm 2021 lên tới 3.975 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong khi đó, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi chuyển biến tích cực hơn, giảm 40% so với đầu năm xuống còn 307 tỷ đồng.
Các khoản phải thu khác ngắn hạn của OGC có một số mục không thay đổi trong nhiều năm như khoản phải thu đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà là 673 tỷ đồng, ông Hà Trọng Nam (anh ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ocean Group) 586 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bình Dương Xanh 270 tỷ đồng.
Lý giải về việc tăng giá đột biến của OGC nhiều chuyên gia cho rằng nằm ở cơ cấu cổ đông của công ty này.
Theo đó, OGC có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương ứng với 300 triệu cổ phiếu. Có 16 cổ đông sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương 51,02% cổ phần đã ủy quyền cho IDS Equity Holdings. Trong tương lai nhiều khả năng OGC sẽ được IDS Equity Holdings gia tăng tỷ lệ để nắm quyền kiểm soát công ty này.
Trước đó, vào tháng 11/2020 ông Nguyễn Dũng Minh, Phó TGĐ Phụ trách Khối phát triển khách sạn của IDS Equity Holdings, xác nhận đã chi ra 70 triệu USD để sở hữu hơn 51% cổ phần tại OGC.
"Với tư cách là nhóm cổ đông kiểm soát hơn 51% tại OGC và hơn 22% tại OCH, trong khi OGC sở hữu gần 60% tại OCH, quyền lợi của chúng tôi là tới 82% của OCH. Sẽ không có quá nhiều tranh cãi và chúng tôi sẽ cùng các thành viên ban lãnh đạo hiện tại ngồi xuống để chia sẻ và thống nhất nguyên tắc điều hành" ông Minh khẳng định.
MINH TRÍ