Trần Dương

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp: Thị giá của cổ phiếu ngành chứng khoán còn khá rẻ, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư

Admin

Ngành Dịch vụ Tài chính - Chứng khoán luôn có vai trò rất quan trọng cho bất cứ TTCK nước nào và luôn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chứng khoán.

Khi nói về TTCK chúng ta luôn lập tức so sánh với Mỹ, một trong những cái nôi của bộ môn đầu tư này. Khi nhìn vào rổ chỉ số S&P 500, rổ chỉ số khá toàn diện và đầy đủ thể hiện bộ mặt TTCK Mỹ, chúng ta thấy được sự hiện diện của khá nhiều cái tên của các tổ chức Dịch vụ tài chính - chứng khoán.

Còn ở rổ Dow Jones bao gồm 30 công ty hàng đầu của Mỹ có 2 cái tên Goldman Sachs và JPMorgan Chase là Ngân hàng đầu tư, một dạng phát triển đỉnh cao của Dịch vụ chứng khoán. Như vậy, có thể nói ngành Dịch vụ Tài chính - Chứng khoán luôn có vai trò rất quan trọng cho bất cứ TTCK nước nào.

TTCK Việt Nam mới chỉ ra đời hơn 20 năm, có thể nói là mới ở giai đoạn sơ khai. Số người biết đến chứng khoán vẫn còn rất ít. Hiện số tài khoản chứng khoản chỉ khoảng 3.5 triệu, giả định mỗi người chỉ có 1 tài khoản thì cũng chỉ mới có 3.5% dân số Việt Nam có đầu tư chứng khoán.

Nếu so với Mỹ là 55%, Hàn Quốc là 20%, Thái Lan là 18% thì rõ ràng tiềm năng phát triển của chứng khoán Việt Nam còn rất rộng. Vì còn non trẻ và tiềm năng quá lớn, cho nên dòng chứng khoán luôn được thị trường đánh giá cao. Tuy vậy, trước khi đầu tư vào một lĩnh vực nào, chúng ta nên hiểu thật rõ đối tượng đầu tư của mình.

Với kinh nghiệm đã công tác ở một số CTCK với vai trò lãnh đạo cao cấp, tôi xin được chia sẻ về bản chất hoạt động, cơ cấu doanh thu, hiệu quả kinh doanh của CTCK. Hy vọng đọc xong chúng ta có cái nhìn sáng suốt để chọn lựa đầu tư đúng.

Hầu hết các CTCK Việt Nam đều có 5 mảng hoạt động chính: Giao dịch, Cho vay Margin (và các sản phẩm 3 bên), Tư vấn chứng khoán cá nhân (Phân tích, Ủy thác, ....), Tư vấn tài chính DN (IPO, Môi giới tổ chức, Trái phiếu doanh nghiệp, Tạo lập thị trường, ...) và Tự doanh (Cơ sở, Phái sinh).

Tùy theo định hướng của Chủ tịch công ty, mà mỗi công ty đều sẽ tập trung phát triển mạnh về mảng nào đó. Và cũng có thể tùy theo từng thời kỳ, mà có công ty hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển. Ví như CTCK V.. đang chấp nhận có biên lãi ròng rất thấp, chấp nhận bỏ hết Tri thức tư vấn, chỉ tập trung vào mảng giao dịch để lấy thị phần. Có thể sau này họ sẽ phát triển các mảng kia sau. Nhưng cũng có những CTCK lại chú trọng vào mảng IB như công ty V.., chú trọng vào mảng Tự doanh như công ty S.., công ty H.., chú trọng vào mảng cho vay như công ty S.., công ty M.. . Mảng tư vấn đầu tư cá nhân hiện nay các CTCK làm chưa tốt, may ra có công ty V... là đang trên con đường hoàn thiện.

Sau khi nhìn rõ các mảng hoạt động, chúng ta cũng thấy ngay Cơ cấu doanh thu của từng CTCK. Công ty nào tập trung phát triển mảng nào, sẽ có Doanh thu tương lai về mảng đó. Báo cáo tài chính của CTCK là khá đơn giản, khác hẳn với BCTC của ngân hàng hay của dòng BĐS. Tất cả các con số không thể "giấu" được nếu chúng ta chịu khó đọc kỹ. Kết quả và hiệu quả kinh doanh của các CTCK cũng được thể hiện khá rõ ràng qua chỉ số cơ bản là EPS, ROE.

TTCK Việt Nam mới chỉ ra đời hơn 20 năm, có thể nói là mới ở giai đoạn sơ khai. Số người biết đến chứng khoán vẫn còn rất ít. Hiện số tài khoản chứng khoản chỉ khoảng 3.5 triệu, giả định mỗi người chỉ có 1 tài khoản thì cũng chỉ mới có 3.5% dân số Việt Nam có đầu tư chứng khoán.

Khi xem xét để chọn lọc đầu tư, có 5 điểm chúng ta cần lưu ý cho dòng này như sau:

1. Thị phần của mảng trọng tâm: CTCK nào lấy trọng tâm là giao dịch, thì thị phần giao dịch phải nằm trong Top 10. CTCK nào lấy trọng tâm là Cho vay thì phải có Dư nợ cho vay cao. CTCK nào lấy trọng tâm là IB thì phải có lượng KH Tổ chức lớn, thực hiện nhiều thương vụ.

2. Có khả năng phát triển khách hàng liên tục: vì đây là kinh doanh Dịch vụ, cho nên việc phát triển khách hàng là sống còn của CTCK. Công ty nào liên tục đổi mới, biết "chiều" khách hàng, biết lắng nghe cầu thị để tiến bộ trong dịch vụ, sẽ có tương lai sáng lạn. Trong thời đại phát triển công nghệ số, CTCK nào biết dùng công nghệ, ít dùng "cơm", sẽ có khả năng thích ứng nhanh hơn.

3. Hiệu quả kinh doanh cốt lõi: CTCK không thể chỉ phát triển theo bề rộng, mà quên đi tính hiệu quả của chính họ. Nếu chú trọng vào khách hàng cá nhân, phải đi vào chất lượng Tư vấn (báo cáo Phân tích tốt). Nếu chú trọng vào khách hàng tổ chức thì phải có đủ uy tín làm nhiều giao dịch lớn. Nếu chú trọng vào Tự doanh, thì Danh mục tự doanh phải "chất", có tiềm năng tăng giá.

4. P/E thấp hơn trung bình ngành: định giá CTCK không quá phức tạp, thậm chí có thể chỉ xem xét P/E trailing và P/E forward là đã tương đối đủ. Về nguyên tắc P/E của dòng này luôn tương ứng với chỉ số Vn-Index. Có nghĩa là nếu P/E chung của TTCK Việt Nam hiện khoảng 16.5, thì P/E của dòng chứng khoán cân bằng ở mức này.

5. Vốn hóa là chỉ số quan trọng: đối với CTCK nên xem xét giá trị vốn hóa thị trường. Hiện có một số CTCK đang ở mức trên dưới 1 tỷ USD, đây là con số khá thấp so với năng lực cần có để phục vụ nhà đầu tư trong tương lai. Cho nên khả năng tăng vốn, đưa dịch vụ chất lượng cao và đưa thêm nhiều sản phẩm là điều sẽ xảy ra ở nhiều CTCK.

Chọn lựa mã đầu tư luôn là việc khó khăn và cẩn trọng. Dòng chứng khoán sẽ hưởng lợi vì ngoài tiềm năng rất lớn, tính chất ngành nghề ít có tính chu kỳ, mà còn thanh khoản sẽ dần được nâng lên, sản phẩm T0 ra đời sẽ còn thúc đẩy thanh khoản cao đột biến.

Đầu tư vào dòng chứng khoản tương đối minh bạch, khá dễ để phân tích độ đắt rẻ, nhưng vẫn cần chú ý và cân nhắc 5 điểm mà tôi đã nêu ở trên. Hiện nay tôi vẫn nhận thấy giá nhiều cổ phiếu chứng khoán còn khá rẻ.

Một khi Vn-Index tăng lên vùng 1.500 điểm, sức bật của nhiều cổ phiếu chứng khoán sẽ được thể hiện rõ nét. Dù có thể sẽ có hiệu ứng chung cả dòng, nhưng vẫn nên chọn những CTCK tốt nhất, đủ điều kiện cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn. Chỉ có như vậy, nhà đầu tư mới không bị ảnh hưởng khi Vn-Index rung lắc.

Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk, tòa soạn đặt tít và sửa chữa một số điểm.