Trần Dương

Chấp hành chỉ đạo của UBCK Nhà nước, HOSE, HNX và VSD thống nhất quy trình chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX nhằm chống nghẽn lệnh

Admin

Hôm qua 16/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã có buổi họp trực tuyến để thống nhất quy trình chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX theo chỉ đạo của UBCK Nhà nước tại công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3/3/2021.

Theo đó, ba đơn vị gồm: HNX, VSD và HOSE đã thống nhất được quy trình chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX.

Ba đơn vị cùng thống nhất xây dựng một quy trình tiếp nhận xử lý hồ sơ, chuyển giao thông tin dữ liệu doanh nghiệp, cài đặt hệ thống tại cả ba đơn vị được tối ưu hoá.

HOSE, HNX và VSD thống nhất quy trình chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX.

Thời gian xử lý hồ sơ, thời gian ngừng giao dịch của cổ phiếu được rút ngắn tối đa, nhưng quy trình vẫn đảm bảo việc xử lý dữ liệu, cài đặt hệ thống tại HOSE, VSD và HNX để các hoạt động liên quan tới cổ phiếu chuyển giao dịch như: giao dịch, công bố thông tin, giám sát giao dịch và thanh toán bù trừ, đáp ứng quy định.

Tại công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3/3/2021 nêu rõ: Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Hai sở GDCK phải phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao dịch, HNX và HOSE và VSD sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể.

Cũng trong chiều ngày 16/3, Sở GDCK Hà Nội cho biết đã nhận được công văn đề nghị chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX của 3 doanh nghiệp. Đó là CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã chứng khoán NSC), CTCP BIBICA (mã chứng khoán BCC), CTCP Giống cây trồng Miền Nam (mã chứng khoán SSC).

Đây là ba doanh nghiệp đầu tiên triển khai thủ tục chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX theo hướng dẫn của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tại công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3/3/2021 với mục đích giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trước đó, trong hơn 3 tháng liên tiếp từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE liên tục diễn ra gây khó cho nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức trên thị trường chứng khoán.

Để giải quyết tình trạng này, ông Lê Hải Trà, CEO của HOSE đề xuất giải pháp: tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu.

"Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp"., ông Trà phân tích.

Sau giải pháp này của ông Trà đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của giới đầu tư.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tổ chức cuộc họp khẩn với Tập đoàn FPT để tìm ra giải pháp khắc phục.

Quyết liệt nhất là phản ứng của VAFI, cơ quan này cho rằng: “Sự yếu kém năng lực quản trị HOSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành. Gần 10 năm trời mà không hoàn thành 1 dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm .”

Để giải quyết tình trạng trên VAFI đề xuất: cần thay lãnh đạo HOSE cụ thể là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc bằng các nhân sự có chất lượng chẳng hạn như việc thuê các chuyên gia nước ngoài.

Trong diễn biến có liên quan, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải tổ chức cuộc họp khẩn với Tập đoàn FPT để tìm ra giải pháp khắc phục. Đồng thời, Bộ trưởng Dũng cũng bác bỏ ý định nâng lô giao dịch lên 1.000 của HOSE.

MINH TRÍ