Doanh nghiệp mong mỏi được cho vay vốn bổ sung
Bức tranh quý I/2022 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký tăng 21%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và duy trì ở mức cao, trong khi đó, thiếu hụt dòng tiền đang là mối lo mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt.
Bối cảnh này đòi hỏi cần phải có thêm những chính sách tiếp sức về dòng vốn, giúp doanh nghiệp nâng cao “sức khỏe” tài chính để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Theo ông Trần Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nông nghiệp nông thôn phía Nam, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực duy trì hoạt động 30 đến 50% công suất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại những doanh nghiệp nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản, nợ nần do ngưng hoạt động thời gian dài, không có doanh thu nhiều tháng qua.
"Vốn đang là vấn đề mang tính sống còn đối với doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, doanh nghiệp đã vay vốn và nay thời điểm đáo hạn khoản vay cận kề mà chưa biết phải làm sao. Các khoản nợ thuế cũng chưa thể trả", ông Vinh trần tình.
"Các ngân hàng nên xem xét, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc giãn nợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc sản xuất. Ngân hàng Nhà nước nếu có cú hích về tài chính tín chấp thì tôi nghĩ sự phục hồi kinh tế sẽ chuyển động nhanh hơn", ông Vinh kiến nghị.
Bên cạnh đó, đánh giá cao các chính sách hỗ trợ cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất từ phía ngân hàng đối với doanh nghiệp, song các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh phải chịu áp lực chi phí tăng cao khi giá nguyên vật liệu tăng đột biến, ngân hàng nên xem xét giảm lãi suất cho vay từ 2 đến 3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2% mà hệ thống ngân hàng chuẩn bị triển khai.
“Sau thời gian dài khó khăn, nay có cơ hội hồi phục và phát triển, điều cần thiết đối với các doanh nghiệp là nguồn tiền để đổ vốn vào mua nguyên vật liệu cũng như tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp hầu hết cũng đã vay mượn vốn ngân hàng, mà lãi suất huy động hiện nay đang có xu hướng tăng lên, chúng tôi lại càng lo lắng việc sẽ khó vay vốn hơn khi lãi suất cho vay có thể tăng. Việc cấp bù lãi suất là chính sách rất cần thiết nhưng cần triển khai càng sớm càng tốt”, các doanh nghiệp kiến nghị.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng chia sẻ, thực tế sức bật của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá cao và cầu tiêu dùng đang hồi phục tương đối tốt, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tháng tới, chắc chắn cầu vốn của doanh nghiệp còn tiếp tục tăng cao, vì vậy ngân hàng nhà nước nên xem xét linh hoạt cân đối việc mở rộng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, hỗ trợ cho khách hàng và doanh nghiệp.
"Mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng của ngân hàng nhà nước từ đầu năm là ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế chứ không chốt cứng. Việc các ngân hàng phân bố room tín dụng được cấp ra sao để dòng vốn này chảy vào các lĩnh vực hỗ trợ phát triển hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả nhất… mới là chuyện cần quan tâm hơn cả", ông Hiếu cho hay.
Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra thị trường ra sao?
Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đà phục hồi của nền kinh tế khiến nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Chính sách hỗ trợ lãi suất cũng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, khiến tín dụng tăng trưởng tốt hơn.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,04%, gấp hơn 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (2,16%).
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho hay, mặc dù lãi suất huy động có tăng so với năm 2021, nhưng lãi suất cho vay của phần lớn các tổ chức tín dụng vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2022.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã sớm vào cuộc, tập trung triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chắp nối lại chuỗi cung ứng đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua…
Là ngân hàng thương mại được ghi nhận “mạnh tay” nhất trong việc giảm lãi suất, Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, từ ngày 01/3/2022, ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn với quy mô 30 nghìn tỷ đồng, khách hàng doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4,0%/năm để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất kinh doanh.
"Chính nhờ những giải pháp tích cực và cụ thể như vậy, Agribank đã “tiếp sức”, cung ứng nhiều hơn dòng vốn rẻ đến nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi", bà Phượng cho hay.
Đặc biệt, trước tình hình biến động xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, chiều ngày 16/3/2022, ngân hàng nhà nước đã có văn bản yêu cầu các nhà băng đảm bảo nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước...
Mặc dù vậy, tới nay, việc cung ứng nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ doanh nghiệp tại các ngân hàng vẫn không đồng bộ, chủ yếu diễn ra ở 16 trên hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước. Việc giảm lãi suất vay ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh và quyền lợi của cổ đông ngân hàng, do đó chính sách này "rộng rãi" tới đâu còn tuỳ thuộc vào "thiện chí" của cổ đông và đội ngũ ban lãnh đạo...
Theo đó, xác định việc sớm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, Thống đốc ngân hàng quyết liệt chỉ đạo, thời gian tới, cơ quan quản lý có thể tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, dựa trên nguyên tắc tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng cao hơn.
"Quan điểm của cơ quan điều hành thời gian tới là sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp", bà Hồng nhấn mạnh.