Thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối năm Âm lịch bằng một màu xanh bao phủ. Tuy nhiên, những cú rung lắc mạnh của thị trường trong thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ có những thay đổi khó lường sau kỳ nghỉ Tết.
Thực tế đã chứng minh thị trường thường có xác suất cao là tăng điểm ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đặc biệt, tháng 2 và tháng 3 cũng là thời điểm chứng khoán có những diễn biến tích cực nhất trong năm.
Theo dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong giai đoạn năm 2016-2021 cho thấy, có đến 5/6 năm chứng khoán tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết. Ngoại trừ năm 2020 do đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện đã kích hoạt động thái bán tháo trên toàn cầu và chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên sang đến năm 2021, VN-Index đã có sự khởi sắc khi tăng điểm ngay trong phiên khai xuân, mở màn cho một năm bùng nổ với nhiều đỉnh cao mới được thiết lập.
Do đó, SHS tin rằng nếu lịch sử lặp lại và không có biến cố nào quá lớn làm thay đổi điều kiện nền kinh tế, thị trường có thể tăng điểm sau Tết Nguyên đán 2022. Động lực giúp dòng tiền tìm đến thị trường vào sau giai đoạn Tết là kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong Báo cáo tài chính quý IV mới công bố. Những doanh nghiệp được dự đoán có kết quả tích cực hơn nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là điểm sáng thu hút dòng tiền.
Một góc nhìn khác đến từ ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi và duy trì những diễn biến tích cực trong tuần khởi đầu năm Nhâm Dần 2022.
Cũng theo ông Minh, thị trường sau Tết sẽ được hỗ trợ bởi hai lực đỡ chính là thông tin báo cáo tài chính quý IV vừa công bố và mùa họp đại hội đồng cổ đông, trong đó có quyết định chia cổ tức. Mặt khác, thống kê trong lịch sử cũng cho thấy số lần thị trường tăng điểm từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch nhiều hơn số lần giảm.
Vị chuyên gia này cũng khiến nghị thêm 3 nhóm ngành sẽ được quan tâm là: Ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản.
Thứ nhất, nhóm ngân hàng. Ông Minh cho rằng ngân hàng sẽ là nhóm tạo sóng trong năm 2022. Bởi hiện so với mặt bằng chung thị trường thì nhóm này vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Mặc dù trong quý III bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng tổng thể vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2022.
Thứ hai là nhóm tiêu dùng cá nhân. Sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại, mức thu nhập của người dân sẽ ổn định giúp cải thiện nhu cầu tiêu dùng. Từ đó những nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp và có khả năng tăng giá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.
Thứ ba là nhóm bất động sản. Ông Minh đánh giá nhóm này đã có chuỗi tăng giá mạnh trong năm vừa qua, song dư địa tăng trưởng vẫn còn do được hưởng lợi bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản sẽ có sự phân hóa lớn, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, có mức chiết khấu hấp dẫn thay vì những cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng "nóng" trong thời gian qua. Bên cạnh đó, năm nay cũng là cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản quy mô vốn lớn thâu tóm các dự án trong bối cảnh dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn và thiếu dòng tiền.
AN NHIÊN