Bùng nổ nhu cầu tuyển lao động tại TP.HCM mùa cuối năm

Admin

Hàng loạt doanh nghiệp đang khởi động mạnh mẽ trở lại và cần tuyển nhiều lao động để chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm nay.

Lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) cho hay theo chu kỳ thì quý IV hằng năm là cao điểm để đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Noel, tết Dương lịch và tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm DN cần nhiều lao động nhất để kịp chuẩn bị nguồn hàng tung ra thị trường.

Những ngày gần đây, một lượng khá lớn công nhân từ Tây Nguyên, miền Tây đã trở lại TP.HCM làm việc, giúp thị trường lao động hồi sinh. Tuy nhiên, nguồn lao động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao.

Vẫn khan hiếm lao động

Ông Đặng Quang Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (TP.HCM), cho hay công ty đã phục hồi sản xuất để kịp chuẩn bị nguồn hàng tung ra thị trường dịp cuối năm. Thời điểm này công ty cần tuyển thêm lao động chính và nhiều lao động thời vụ nhưng nguồn tuyển vẫn còn khan hiếm do luồng dịch chuyển lao động về quê lớn, việc quay lại nơi làm việc cần nhiều thời gian.

“Mất mát do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư quá lớn. Không ít lao động cảm thấy lo lắng nên cần chữa lành tâm lý để họ cảm thấy an tâm hơn khi quay lại môi trường làm việc và sinh sống” - ông Ánh nói.

Không chỉ thiếu hụt lao động để duy trì mạch sản xuất mà giai đoạn này một số DN vẫn khá thận trọng, chưa dám bung hết dư địa để phục hồi. “Chúng tôi muốn phục hồi nhanh sản xuất nhưng ngoài vấn đề lao động, nhiều yếu tố liên quan như sức tiêu thụ của thị trường, chi phí vận chuyển, lưu kho… tăng nên chưa đạt như kỳ vọng” - ông Ánh chia sẻ.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong Herbals Trần Văn An thông tin: Đơn hàng trái cây cô đặc xuất khẩu rất nhiều nhưng thiếu lao động trầm trọng nên chưa thể triển khai các đơn hàng lớn. Với lực lượng lao động hiện có, công ty chỉ ưu tiên giải quyết các đơn hàng nhỏ, cần ít thời gian hoàn thành.

Ngoài ra, công ty cũng mở rộng tuyển dụng nhưng nguồn cung khan hiếm nên chưa thể vận hành toàn bộ hoạt động nhà máy như bình thường. “Trong giai đoạn này, chúng tôi sẵn sàng bỏ thêm chi phí để trả cho nhân công lao động. Hiện công ty cần tuyển nhiều lao động bốc xếp, thu hoạch trái cây, làm cây giống… nhưng không dễ. Còn tuyển lao động từ các tỉnh cũng rất hạn chế do họ có tâm lý qua tết Nguyên đán mới quay lại tìm việc. Dự báo phải mất 3-4 tháng nữa, nguồn nhân lực mới phục hồi trở lại bình thường” - lãnh đạo Mekong Herbals cho hay.

Người lao động đăng ký tư vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Nắm bắt cơ hội việc làm sau dịch

Theo một số DN, hiện nay lao động ngoại tỉnh về TP.HCM có hai xu hướng chính là đến công ty cũ để làm việc và một số khác muốn tìm việc mới.

Chị Nguyễn Trần Huyền My (Quảng Trị) cho biết vừa nắm được thông tin về “combo việc làm 3 trong 1” do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM triển khai. My đang tìm hiểu về công việc văn phòng, nhân viên mảng pháp chế hoặc nhân sự.

My cho hay đã tốt nghiệp Trường ĐH Luật Huế vào tháng 6 và dự định sẽ vào TP.HCM tìm việc làm. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài nên thất nghiệp hơn ba tháng nay. Trong thời gian ở nhà, My tự học tiếng Anh và tin học văn phòng để thi TOEIC và bằng tin học quốc tế.

“Tôi nghĩ rằng đó là những kiến thức cần cho công việc, giúp tôi có nhiều cơ hội hơn để tìm việc sau dịch. Hiện tại, tôi rất mong TP.HCM bình thường trở lại để có thể lập nghiệp ở nơi mà tôi chờ đợi bấy lâu nay” - My tâm sự.

Tương tự, chị Hoàng Thị Ngọc Diễm (quê Đồng Tháp, tạm trú tại TP Thủ Đức) cho hay khi dịch bùng phát, chị mất việc làm nhưng không về quê mà ở lại TP.HCM. Chị cho rằng thị trường việc làm ở TP.HCM luôn đa dạng ngành nghề nên có nhiều lựa chọn.

Diễm nói: “Ở lại TP.HCM, tôi được tiêm đủ hai mũi vaccine. Đây là điều kiện mà nhiều công ty cần khi tuyển lao động quay lại làm việc. Đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, nay tôi tin sẽ có nhiều người trở lại TP làm việc tại công ty cũ hoặc tìm việc mới để phát triển và khẳng định bản thân”.

Thị trường lao động bắt đầu hồi sinh trở lại. Ảnh: NVCC

Muốn tuyển gần 39.000 lao động

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cho biết kết quả khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của hơn 200 DN và các công ty phái cử cho thấy họ có nhu cầu tuyển 37.800 lao động.

Trong đó, 114 DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 18.800 lao động; 69 DN ngoài tỉnh tuyển 18.124 lao động.

Hỗ trợ kết nối, tiếp sức cho người lao động

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, cho biết có hơn 30.000 lao động từ Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM về quê thời gian qua. Trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành nới giãn cách phục hồi kinh tế, Đồng Tháp đã triển khai hàng loạt công việc để giúp lao động nhanh chóng có việc làm và DN có nguồn lực phục hồi sản xuất.

Kết quả khảo sát nhanh của sở cho thấy có khoảng 14.000 lao động đã trở lại nơi sản xuất ở các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ; một bộ phận lao động tìm kiếm việc làm tại địa phương hoặc các tỉnh lân cận và nhiều lao động tìm hướng xuất ngoại để cải thiện thu nhập tốt hơn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, đơn vị này đã kết nối tới hơn 230 công ty tại TP. Sau khi khảo sát, trung tâm nhận thấy các DN cần tuyển dụng hơn 50.000 lao động, tập trung nhiều ngành nghề. Ngoài ra, trung tâm cũng kết nối với 63 tỉnh, thành để giới thiệu chương trình tới nhiều lao động đã về quê hoặc có nhu cầu tới TP.HCM làm việc sau dịch. Người lao động có thể liên hệ với tỉnh đoàn để lập danh sách gửi tới trung tâm.

Cụ thể, ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, các DN cần tuyển nhiều vị trí kế toán, nhân viên giao hàng, chứng khoán, bất động sản, tư vấn giáo dục. Lĩnh vực kỹ thuật cần tuyển nhiều kỹ sư cơ khí, điện, điện tử; kiến trúc sư xây dựng; kỹ thuật viên phần mềm và lập trình. Lĩnh vực sản xuất cũng tuyển nhiều vị trí công nhân sản xuất thủy hải sản, chế biến thực phẩm, may mặc, gỗ, điện, điện tử...

Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM nhìn nhận nguồn nhân lực đang hạn hẹp, vì tâm lý chung của lao động chưa sẵn sàng trong tư thế đi làm lại. Do vậy, trung tâm đã triển khai chương trình “Tiếp sức người lao động” nhằm đồng hành, hỗ trợ người lao động, nhất là lao động từ các tỉnh, thành có nhu cầu trở lại TP.HCM làm việc.

Trung tâm cũng đã kiểm chứng thông tin DN, số điện thoại người đại diện để người lao động yên tâm, trực tiếp liên hệ.

Hơn 140.000 lao động quay lại TP.HCM làm việc

Bộ LĐ-TB&XH dẫn báo cáo nhanh của các tỉnh phía Nam cho biết: Tính từ ngày 31-8 vừa qua, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước. Riêng tại TP.HCM, sáu tháng đầu năm nay có 125.277/332.301 người lao động bị mất việc, tạm nghỉ, giãn việc.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 18-10, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: Theo thống kê từ các khu công nghiệp và chế xuất, hiện số lao động trở lại làm việc đạt hơn 134.000 người. Bên cạnh đó, số lao động quay lại làm việc ở các quận, huyện và TP Thủ Đức đạt trên dưới 5.000 người.

Đại diện sở này cũng cho hay UBND TP.HCM đã có Văn bản 3231 về phương thức đưa đón, vận chuyển công nhân quay lại TP. Chẳng hạn, người lao động là người mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh dưới sáu tháng hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine đối với loại vaccine phải tiêm hai mũi thì được quay lại TP… Vì vậy, trong thời gian tới, số lao động trở lại làm việc sẽ tăng lên.

Triển khai “combo việc làm 3 trong 1”

Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cho hay đơn vị này đã triển khai chương trình “Tiếp sức người lao động”, diễn ra từ ngày 1-10 đến 31-11-2021 với “combo việc làm 3 trong 1”. Khi tham gia, người lao động sẽ được giới thiệu nhà trọ giá rẻ, giảm giá; test nhanh COVID-19 miễn phí trước khi đi phỏng vấn xin việc hoặc bắt đầu công việc, thử việc và tư vấn tìm kiếm việc làm.

Người lao động gọi đến tổng đài 1088, hotline 0936.508.505 hoặc đến các văn phòng Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM để được tư vấn trực tiếp.

Phong Điền - Khánh Chi