Trần Dương

Sau khi biến đất vàng Nhà nước thành tư nhân, Vinafood 2 lập dự án “ma” thế chấp tại hai ngân hàng

Admin

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM chỉ đạo, giám sát các cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản Nhà nước.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ số 2099/BC-TTCP ngày 2-12-2020, sai phạm của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) không chỉ là bốn lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. Doanh nghiệp này đã hai lần lập hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng

Vụ lập hồ sơ khống thứ nhất khiến một ngân hàng dính 518 tỉ đồng. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ phát hiện Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với khu đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM để để lập dự án “khống”, rồi mang đi thế chấp ngân hàng và vay tiền trái luật.

Vinafood 2 không triển khai đầu tư dự án trên đất được giao như cam kết trong giai đoạn từ 2010 – 2015. Doanh nghiệp này đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 của bốn lô đất để vay 518 tỉ đồng từ Ngân hàng Techcombank để trả nợ cho các công ty con.

Khu đất vàng Vinadfood 2 nhìn từ trên cao. Khu đất này được doanh nghiệp bắt tay nhau lập hồ sơ khống đi thế chấp ở hai ngân hàng

Vụ lập hồ sơ khống thứ hai được thực hiện như sau: Bốn lô đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh được Công ty Việt Hân Sài Gòn mua lại. Sau đó Việt Hân Sài Gòn lập hồ sơ dự án đầu tư khống mang tên The Goldmark Preminum Tower. Các công ty trong dự án này đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với một trong các chi nhánh của một ngân hàng thương mại cổ phần và được giải ngân ngay khoảng 6.308 tỉ đồng.

Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con, gồm: Công ty cổ phần Bạch Minh Long, Công ty cổ phần Supreme Power, Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty cổ phần Clover Peak, Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Man, Công ty cổ phần Đầu tư Song Phú.

Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác để giải ngân và cho vay mới. Chiêu này được lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền.

Khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp.

Đó là các bất động sản tại dự án khu dân cư lô 9A2 khu 9A+B, khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam TPHCM, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Việt Liên Á làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Chinh.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng hàng nghìn tỉ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân để thực hiện chuyển hóa tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước là làm trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2014.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện dấu hiệu gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân thông qua việc chuyển nhượng vốn góp lòng vòng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn qua các cá nhân.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM chỉ đạo, giám sát các cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản Nhà nước. Đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị giao Công an TP.HCM vào cuộc điều tra, xử lý theo pháp luật đối với việc phá dỡ tài sản Nhà nước trên lô đất số 42 đường Chu Mạnh Trinh.

KIM ĐIỀN