Công ty Cổ Phần Đại Nam do ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) làm Chủ tịch HĐQT; vợ ông Dũng là bà Nguyễn Phương Hằng làm Tổng Giám đốc. Công ty này đã huy động thành công 180 tỷ đồng từ trái phiếu.
Lấy khu nhà Đại Nam làm tài sản đảm bảo
Trái phiếu của Đại Nam là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Lãi suất áp dụng cho kỳ điều chỉnh lãi suất đầu tiên ở mức cố định 10%/năm (kỳ hạn trả lãi tối đa 6 tháng 1 lần). Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo bằng tổng của 3,5%/năm cộng với lãi suất tham chiếu của kỳ điều chỉnh lãi suất đó nhưng không thấp hơn 10%/năm. Lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng Việt Nam đồng, trả lãi cuối kỳ cao nhất, kỳ hạn 12 tháng do Ngân hàng Phương Đông công bố vào ngày xác định lãi suất của kỳ điều chỉnh lãi suất tương ứng.
Một tổ chức tín dụng trong nước đã mua lô trái phiếu này của Đại Nam. Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) làm tư vấn và đại lý phát hành. Ngân hàng Phương Đông là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo.
Công ty Đại Nam cho biết, mục đích của đợt phát hành trái phiếu lần này là nhằm đầu tư xây dựng Nhà xưởng cho thuê số 2 thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Trái phiếu được đảm bảo bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu nhà ở Đại Nam.
Lỗ triền miền, liên tục âm vốn chủ sở hữu
Việc huy động vốn của Đại Nam diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh vô cùng tệ, các khoản lỗ ngày càng chồng chất khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh mất vốn. Kết thúc năm 2020, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam đã âm gần 344 tỷ đồng.
Đại Nam đăng ký tới 128 ngành nghề kinh doanh. Trong đó kinh doanh địa ốc, nhà xưởng, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu công nghiệp là chính.
Bắt đầu từ năm 2018, Đại Nam chính thức rơi vào cảnh mất vốn khi âm vốn chủ sở hữu tới 38,1 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn duy trì ở mức 45,6 tỷ đồng.
Không thể cải thiện tình hình kinh doanh ở những năm kế tiếp, các khoản lỗ ngày càng tăng. Tới cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Đại Nam đã âm gần 344 tỷ đồng.
Khối nợ phải trả cũng cứ thế tăng lên nhanh chóng, ghi nhận lần lượt là 3.383 tỷ đồng, 3.637 tỷ đồng, 5.112 tỷ đồng, 4.670 tỷ đồng và 6.538 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là các khoản nợ dài hạn.
Nhằm huy động thêm nguồn lực, từ năm 2020, Đại Nam bắt đầu đẩy mạnh vay nợ dài hạn, với 541,4 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều mức 3 tỷ đồng cùng kỳ.
Nhằm huy động thêm nguồn lực, từ năm 2020, Đại Nam bắt đầu đẩy mạnh vay nợ dài hạn, với 541,4 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều mức 3 tỷ đồng cùng kỳ.
Việc phát hành trái phiếu lần đầu tiên của Đại Nam vừa qua cũng là tín hiệu cho thấy nguồn lực của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện.