Trần Dương

TPHCM: Hàng nghìn hecta đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng

Admin

Diện tích đất nông nghiệp của TPHCM vẫn còn nhiều, bị chia cắt, manh mún, là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có văn bản báo cáo UBND TPHCM về việc thông qua việc chuyển mục đích sử dụng 901,2 ha đất trồng lúa tại 9 quận, huyện, nhằm phục vụ việc đô thị hóa, phát triển kinh tế thành phố. TPHCM hiện có 43 dự án cần thu hồi đất, 21 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

901,20 ha đất trồng lúa có nhu cầu chuyển mục đích

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sẽ có 43 dự án cần thu hồi đất, 21 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trong đó có 3 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa), 6 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ dưới 20 ha (tại Cần Giờ), 32 dự án cần điều chỉnh diện tích thu hồi đất và điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.

Tổng cộng có khoảng 901,20 ha đất trồng lúa có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, diện tích cần chuyển đổi tập trung nhiều nhất ở huyện Hóc Môn (395,80 ha); Thủ Đức (142,19ha), Bình Chánh (128,36 ha), Quận Bình Tân (có 19,84ha), Nhà Bè (60,77ha), Cần Giờ (60,82ha), Củ Chi (78,13ha)…

Phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đã nhiều năm không thể canh tác

Trước đó, từ năm 2016-2020, đã có 26.246 ha đất nông nghiệp của TPHCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp; 1.363 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Trong năm 2021 UBND TPHCM đã ký quyết định phê duyệt cho Bình Chánh được chuyển tổng cộng gần 1.350 ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở).

Đến nay, Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000 ha đất nông nghiệp và dự kiến đến năm 2025 chỉ còn giữ lại 350 ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực. Nhà Bè có lượng đất nông nghiệp khá lớn với khoảng 4.600 ha, chiếm 40% diện tích của cả huyện.

Trong thời gian tới, huyện này sẽ chỉ giữ lại 300 ha để làm nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển đổi đất nông nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong chương trình phát triển lên quận của huyện này trong 5 năm tới.

Không chỉ Nhà Bè hay Bình Chánh, các quận huyện khác như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ hay quận 9 cũ cũng hướng đến chuyển đổi đất đai sang phục vụ cho ngành dịch vụ, công nghiệp. Mục đích của việc chuyển đất nông nghiệp lên đất phi nông nghiệp nhằm chủ trương tạo điều kiện tốt cho huyện trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân, vì ở các địa phương này nhu cầu về nhà ở rất lớn.

TPHCM vẫn giữ 50% đất nông nghiệp là vô lý

Nhiều ý kiến cho rằng TPHCM là đầu tàu về kinh tế nhưng vẫn giữ gần 50% đất nông nghiệp là vô lý, trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp vào GRDP của TP là 0,8%. Trong khi, đất cho công nghiệp, dịch vụ dù diện tích chỉ khoảng 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.

Chính vì vậy, đề xuất chuyển thêm diện tích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp để giúp cho sự phát triển kinh tế đã được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đề ra từ nhiều năm nay.

Trên thực tế, ở nhiều quận huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Thủ Đức… nhiều diện tích đất nông nghiệp đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước… dẫn tới bỏ hoang, gây lãng phí.

Vì vậy, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nên cho phép chuyển đổi và tiến hành đấu giá quỹ đất này, từ đó tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…

"Thực tế, 1 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sẽ tạo ra giá trị ước khoảng 55 tỷ đồng/năm, giá trị tăng lên hàng trăm lần. Việc này không chỉ giúp khai thác nguồn lực cực lớn từ đất đai của các địa phương này mà còn giải quyết sớm nhu cầu về nhà ở cho người dân, qua đó sẽ ngăn chặn được tình trạng xây dựng, phân lô trái phép đất nông nghiệp như hiện nay.…", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Một lãnh đạo của Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết diện tích đất nông nghiệp của TPHCM vẫn còn nhiều, nhưng do đặc thù là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng nên bị chia cắt, manh mún. Điều này lại là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp do đất đai không ổn định.

Phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định. Hiện TPHCM mới cho thí điểm xây dựng các công trình tạm trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Theo thống kê, đến năm 2020, TPHCM có hơn 88 ngàn ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn TP, tập trung tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Q.9 cũ. Nhiều ý kiến cho rằng TPHCM là đầu tàu về kinh tế, du lịch, dịch vụ, nhưng vẫn giữ gần 50% đất nông nghiệp là một con số quá lớn trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp vào GRDP của TP là 0,8%. Đất cho công nghiệp, dịch vụ dù diện tích chỉ khoảng 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP. Chính vì vậy cần xem xét cho chuyển thêm diện tích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp để giúp cho sự phát triển kinh tế. Khi chuyển đổi TP sẽ tiến hành đấu giá quỹ đất này và thu về hàng triệu tỉ đồng, tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đất ở cũng giúp tránh tình trạng xây dựng trái phép tràn lan thời gian qua ở các khu vực quận huyện vùng ven. Điển hình như ở Bình Chánh, sở dĩ xây dựng không phép tràn lan, người dân vẫn ồ ạt mua bán nhà đất giấy tay bởi diện tích đất ở quá ít, trong khi dân số rất đông. Dự kiến, sau chuyển đổi đất nông nghiệp, chỉ tiêu dân số các khu vực này sẽ tăng lên hàng trăm nghìn cư dân, mật độ xây dựng cũng sẽ tăng lên 35 - 40% so với hiện nay.

Kim Điền