Trần Dương

Đề xuất cấm xe máy trung tâm Hà Nội sớm hơn 5 năm, bắt đầu từ năm 2025

Admin

Năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm Thành phố.

Thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm

Tại kỳ họp khai mạc sáng nay 7-12, UBND thành phố Hà Nội đề xuất HĐND thành phố thông qua kế hoạch chi 1.800 tỷ đồng. UBND thành phố cũng đưa ra kế cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Năm 2025 dừng hoạt động xe máy từ đường Vành đai 3 vào trung tâm

Về lộ trình dừng xe máy, báo cáo của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: UBND thành phố đang nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm Thành phố, sớm hơn kế hoạch 5 năm. Tiếp đến, sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận trong phạm vi từ Vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Về các nhóm giải pháp thực hiện, Ban Đô thị lưu ý, UBND thành phố cần huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên nguồn vốn ngân sách để tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông; chỉ đạo Sở GTVT, các Sở, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các quận của thành phố trong việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang 180 tuyến phố …

Đề cập đến các giải pháp chống ùn tắc, đảm bảo giao thông lâu dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm.

Giải pháp được thành phố thực hiện với 2 nội dung, bao gồm đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”; đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” (Đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành).

Đối với Đề án dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, ông Quyền cho biết, trước khi dừng hoạt động toàn bộ xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030 như kế hoạch, thành phố đang xây dựng các phương án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực.

Chi hơn 1.800 tỷ đồng để cải thiện giao thông

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 8,65% năm 2015 lên 10,07% năm 2020; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng tăng từ 11% lên 17,03%. Trong 5 năm qua, thành phố xử lý được 67 điểm ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông hàng năm đều giảm cả ba tiêu chí.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ; ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hàng năm vẫn ở mức cao.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, nội dung được ưu tiên thực hiện giai đoạn này gồm mỗi năm xử lý từ 7 điểm đến 10 “điểm đen” thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông. Không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông, giảm tai nạn giao thông từ 5% -10% hàng năm.

Tổng kinh phí chi cho các nội dung công việc để đạt mục tiêu trên, dự kiến là hơn 1.800 tỷ đồng, nguồn lấy từ là ngân sách thành phố.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, hiện tờ trình của UBND thành phố đã được gửi đến HĐND thành phố, Ban Đô thị được phân công thẩm định và có báo cáo thẩm tra.

Trong tổng nguồn kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng được UBND thành phố Hà Nội đề xuất, số tiền được chi cho 10 nhóm nhiệm vụ, đầu công việc. Trong đó có một số công việc được đánh giá là trọng tâm, bao gồm: chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường tại 12 quận trên 560 tỷ đồng; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao 419 tỷ đồng...

Hoàng Bách