Ngày 14.12, TAND TPHCM xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Ông Thăng được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ
Tại phiên toà ngày 14-12, trong phần thủ tục, bị cáo Đinh La Thăng trả lời rằng sau khi học xong đại học, ông làm nghề kế toán, rồi làm quản lý.
Ông Thăng cũng trả lời là mình bị hai bản án tuyên phạt chung 30 năm tù nhưng không nhớ rõ ngày, tháng nào bị tuyên phạt. Chủ tọa phiên toà giải thích rằng, hai bản án này không được xem là tiền án đối với bị cáo Thăng.
Trong vụ án này, ông Thăng được VKS ghi nhận có các tình tiết giảm nhẹ vì thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác, được tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen.
Bị can Đinh Ngọc Hệ (Út trọc, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) nói rằng mình không có tên gọi khác ngoài tên Đinh Ngọc Hệ và phủ nhận tên Út “trọc”. Bị cáo cũng khai đang chịu hai bản án với hình phạt chung là 30 năm tù.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo này không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận vai trò chủ yếu trong việc thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản…
Tại phiên toà, Bộ GTVT được tòa triệu tập với tư cách bị hại. HĐXX cũng triệu tập 14 pháp nhân và 11 cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Bộ Tài chính và 13 doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT quốc lộ 20…
Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức không đến dự tòa. Đại diện VKS nhận thấy việc những người này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Út trọc làm giả hồ sơ, phần mềm
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn I) có nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỉ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng BIDV liên danh với các nhà đầu tư thành lập Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) lập Đề án mua quyền thu phí của Dự án và đầu tư xây dựng tiếp đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT.
Ngày 4-11-2011, BIDV thay mặt tổ hợp các nhà đầu tư đã có Văn gửi Bộ GTVT đề nghị chuyển giao lại Dự án đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT và Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Bộ GTVT để lựa chọn đơn vị khác làm chủ đầu tư, với lý do không thu xếp được nguồn vốn.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và tập hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng BIDV, ngày 20-2-2012, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho BEDC không tiếp tục đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương và dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đồng thời chuyển giao nguyên trạng cho Bộ GTVT, BEDC được hoàn trả các khoản chi phí đã đầu tư cho hai dự án này trên cơ sở số liệu được kiểm toán đầy đủ..., tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để chuyển giao quyền thu phí, hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã ứng cho dự án...
Sau khi nhận được văn bản nêu trên, ngay trong tháng 2-2012, ông Đinh La Thăng đã gọi điện thoại cho Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT được giao tiếp nhận bàn giao Đề án chuyển giao quyền thu phí) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp xúc và tham gia mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương.
Bị cáo Đinh La Thăng phân công cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT lúc đó chủ trì, chỉ đạo Tổng Công ty Cửu Long do Dương Tuấn Minh là Tổng Giám đốc cùng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GTVT xây dựng và hoàn thiện Đề án bán quyền thu phí.
Sau khi được bị cáo Đinh La Thăng giới thiệu với một số công ty, Đinh Ngọc Hệ đã tiếp cận Đề án bản quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Để tham gia mua quyền thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng hai pháp nhân là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An để đăng ký mua quyền thu phí. Thực tế hai Công ty này không có năng lực tài chính và kinh doanh thua lỗ nên Hệ chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ tài chính từ lỗ thành lãi để che giấu việc không có khả năng tài chính, không đủ điều kiện tham gia mua đấu giá quyền thu phí theo quy định và nộp hồ sơ đăng ký với Tổng Công ty Cửu Long.
Trong vụ này, bị cáo Nguyễn Hồng Trường đã không chỉ đạo các thành viên Hội đồng bán đấu giá kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An theo quy định mà chỉ dựa trên biên bản họp đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá lập khống để ký Thông báo 2 Công ty trên của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, đồng thời uỷ quyền cho bị cáo Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long tiến hành bán đấu giá. Trên cơ sở này, bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký phê duyệt kết quả bán đầu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ.
Theo cáo trạng, các ý kiến chỉ đạo, kết luận và các văn bản nêu trên của bị cáo Nguyễn Hồng Trường đều được báo cáo và gửi các tài liệu liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo Đinh La Thăng biết toàn bộ hoạt động này không đúng quy định của pháp luật.
Khi mua được quyền thu phí và tiến hành khai thác thu phí, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục chỉ đạo các hành vi che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ GTVT, cơ quan Thuế và các cơ quan của Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm toán nhằm chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch.
Với mục đích sau khi hết thời gian mua quyền thu phí theo hợp đồng sẽ báo cáo lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo mua phần mềm máy tính của Công ty Xuân Phi, can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ GTVT đã được cài đặt để xâm nhập, điều chỉnh chương trình soát vé, nhằm làm cho những thông tin về việc thu phí sẽ không được kiểm soát.
Tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã chứng minh được doanh thu thu phí thực tế từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2018, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã thu được tổng số tiền hơn 3.266 tỉ đồng. Doanh thu sau khi can thiệp điều chỉnh và che giấu là hơn 2.541 tỉ đồng. Số tiền Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm đã chiếm đoạt là hơn 725 tỉ đồng.
K.Đ