Trần Dương

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ khả quan hơn trong năm 2024

Sửa đổi Nghị định 08/2023 và tới đây Bộ Tài chính có thể tiếp tục kéo dài thời hạn hiệu lực của một số điều trong Nghị định, thì việc phát hành TPDN được dự báo sẽ khả quan hơn trong năm 2024.

Thị trường thứ cấp ngày càng sôi động

Từ quý II/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đã bắt đầu phát hành trở lại, có sự “nhúc nhích” phát triển sau khoảng thời gian dài trầm lắng, nhờ việc tạm ngưng một số quy định tại Nghị định 08/2023 thay thế cho Nghị định 65/2022 về phát hành TPDN riêng lẻ.

tp-1-1702080888.jpg

Thị trường TPDN đã ấm lên từ quý II năm nay và kết quả là quý sau luôn cao hơn quý trước.

Theo đó, đến hết tháng 10/2023 đã có 173 đợt phát hành, tổng khối lượng lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành khoảng gần 185.000 tỷ đồng, giảm 43,77% so với cùng kỳ năm 2022. Mức độ phát hành này không lớn, nhưng so với giai đoạn quý 1 trở về trước thì đây là dấu hiệu phục hồi rất rõ nét.

Cùng với đó, việc các doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để kéo dài thời gian vay nợ trái phiếu gần đến hạn, hoặc tìm cách xử lý trái phiếu đến hạn một cách hợp lý đã hỗ trợ tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, khi thời hạn tạm ngưng một số quy định gần đến thời điểm kết thúc. Vì vậy, chúng ta cần có những động thái để xử lý các trường hợp này.

Có thể thấy, Nghị định 08/2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà đầu tư và các doanh nghiệp phát hành mua bán TPDN đơn giản hơn so với trước đây. Chính điều này làm cho thị trường ấm lên từ quý 2 năm nay và kết quả là quý sau luôn cao hơn quý trước. Điển hình như trong tháng 10 vừa qua, lượng phát hành TPDN đã cao hơn so với tháng 9 khoảng 15%, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với TPDN đang quay trở lại.

Ngoài ra, từ ngày 19/7/2023, chúng ta chính thức đưa thị trường trái phiếu thứ cấp vào hoạt động. Đây là việc mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư trên thị trường với nhau, vì vậy họ phải định giá các trái phiếu, độ rủi ro cũng như lợi nhuận đem lại để ra quyết định mua bán. Từ đó, tính công khai, minh bạch của các TPDN đã được thực hiện một cách tốt hơn.

Qua đó, thị trường cũng có cơ hội đánh giá chất lượng của các trái phiếu. Tôi cho rằng điều này là yếu tố góp phần làm cho lòng tin của nhà đầu tư tăng cao và TPDN có thể trở thành một trái phiếu ngắn hạn hơn. Ví dụ trước đây, trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3 năm, nhưng đến nay, nều người nắm giữ trái phiếu có nhu cầu thì có thể mang ra thị trường bán ngay để thu hồi nguồn vốn quay trở lại. Như vậy, trên thị trường sẽ định giá trái phiếu thông qua sức khỏe của doanh nghiệp và xác định lợi nhuận, giúp hoạt động mua bán trở nên linh hoạt, chủ động hơn.

Khoảng tháng 8, tháng 9/2023 mức độ giao dịch của mỗi một phiên trên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chỉ khoảng 300 tỷ đồng; đến cuối tháng 10, tính bình quân từ ngày 19/7 đến hết 31/10, lượng giao dịch đã tương đối lớn, mỗi phiên bình quân đạt khoảng 680 tỷ đồng. Đây là con số đáng khích lệ với một thị trường mới hình thành và đang thể hiện tốc độ giao lưu trên thị trường trái phiếu thứ cấp ngày càng lớn hơn.

Không nên quá ngặt nghèo quy định

Tôi cho rằng đối với TPDN phát hành riêng lẻ, chúng ta không nên quá ngặt nghèo các quy định. Nhất là việc xếp hạng tín nhiệm cho mấy nghìn doanh nghiệp sẽ là tương đối khó khăn cho thị trường ở thời điểm hiện tại, do số lượng các công ty xếp hạng còn ít.

tp-cover-1702080762.jpeg

Thị trường TPDN thứ cấp đang hoạt động tương đối tốt, là cơ sở để các trái chủ dựa vào đó đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, năng lực tài chính cũng như mức độ an toàn hay rủi ro của các trái phiếu.

Trong năm nay, Bộ Tài chính mới cấp phép thêm một công ty xếp hạng tín nhiệm nữa là ba công ty trên thị trường. Vì vậy, lựa chọn các doanh nghiệp có đợt phát hành lớn như từ 500 - 1.000 tỷ đồng trở lên, hoặc với những doanh nghiệp ở một số ngành nghề lĩnh vực nào đó bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm, thì điều này sẽ phù hợp hơn và cũng đáp ứng được năng lực xếp hạng của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Về triển vọng của thị trường TPDN trong năm 2024, chúng ta đều thấy việc sửa đổi Nghị định 08/2023 và tới đây Bộ Tài chính có thể sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn hiệu lực của một số điều trong Nghị định này, giúp việc phát hành TPDN sẽ tiếp tục khả quan hơn.

Đặc biệt, chúng ta đã có thị trường TPDN thứ cấp đang hoạt động tương đối tốt, là cơ sở để các trái chủ dựa vào đó đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, năng lực tài chính cũng như mức độ an toàn hay rủi ro của các trái phiếu trong nền kinh tế. Đồng thời, với việc rút kinh nghiệm trong năm 2023 và những bài học từ các quốc gia khác, chúng tôi tin TPDN sẽ có cơ hội ấm lên, trở thành một lĩnh vực huy động vốn trung - dài hạn tương đối tốt trong nền kinh tế.

Chúng ta đều biết Nghị định 65/2022 là một Nghị định tương đối chặt chẽ, đòi hỏi phát hành TPDN riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế giống như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Cho nên khi nới lỏng hơn một số quy định nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm, vai trò của các chủ thể trong thị trường; đảm bảo thông tin công khai, minh bạch; đảm bảo mục đích sử dụng vốn của từng đợt phát hành; có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ Tài chính đã khiến thị trường hồi phục. Đây là những điều cần được thực hiện tốt hơn nữa trong năm tới, giúp các nhà đầu tư, trái chủ có thêm niềm tin vào công tác quản lý Nhà nước cũng như vào thị trường.

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, Chuyên gia tài chính