Trần Dương

Tân Hiệp Phát thành lập hơn 20 công ty chỉ vài tháng sau khi có kế hoạch tấn công vào thị trường bất động sản với quy mô vốn lên đến 1 tỷ USD nhưng bất ngờ đóng cửa hầu hết trong thời gian ngắn

Giữa năm 2019, gia đình ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát gây xôn xao giới đầu tư bất động sản khi chỉ trong vòng 1 năm đã thành lập hơn chục công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản với quy mô lên đến gần 1 tỷ USD.

Đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ 18-24/4 năm 2019, có 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.

Đến ngày 14/5/2019, thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.

Gia đình ông Trần Quí Thanh tấn công vào lĩnh vực bất động sản bằng những cách thức bị thương trường cũng như truyền thông phản đối mạnh mẽ.

Theo dữ liệu chúng tôi có được, ông Trần Quí Thanh hầu như không đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà 3 cái tên thường xuyên xuất hiện là bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích.

Như vậy chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng.

Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập trong năm 2019, trước đó gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng)...

Trước khi thành lập những công ty trên, vào tháng 6/2018, ông Trần Quí Thanh đã trở thành thành viên trong ban chấp hành câu lạc bộ BĐS Tp.HCM (HREC) với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án BĐS.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ông Thanh liên tục xuất hiện tại các sự kiện liên quan đến bất động sản và công khai tiết lộ với giới truyền thông sẽ đầu tư và phát triển trong lĩnh vực mới này.

Khi đó đại gia nước giải khát tiết lộ, thời gian tới sẽ chọn Tp.HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm BĐS. Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường.

Ông Thanh khá tự tin với lĩnh vực mà doanh nghiệp chuẩn bị "dấn thân". Ông khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực BĐS theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ "nhảy" sang.

Tuy nhiên điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8-9/2019, hầu hết các công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể với cùng lý do là "Không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả".

Trong một diễn biến có liên quan mới đây UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa giao cho công an phối hợp với các cơ quan có liên quan điều tra khu đất vàng mà Tân Hiệp Phát vừa trúng đấu giá.

Theo đó, tại văn bản nêu trên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa các đối tượng người tham gia đấu giá, người trực tiếp bỏ giá tại cuộc đấu giá, thống nhất phương án xử lý, và đề xuất giải pháp đấu giá trong thời gian tới (nếu có), tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp rà soát, cung cấp hồ sơ, thông tin liên quan các đối tượng người tham gia đấu giá, người trực tiếp bỏ giá tại cuộc đấu giá, gửi về cho Công an tỉnh. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2020.

Trước đó, hôm 9/11/2020, Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động liên quan tới CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành để phục vụ điều tra.

Theo đó, Cơ quan này cho biết đã nhận được đơn tố cáo của Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai, tố cáo các ông, bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và "trốn thuế", xảy ra tại Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.