Trần Dương

Tạm ứng của Sunny Island 2.883 tỷ đồng từ năm 2016, Quốc Cường Gia Lai vừa khởi kiện đối tác ra tòa, có gì khuất tất đằng sau thương vụ Phước Kiển và Sunny Island là công ty nào?

Trong công văn số 14.1/CNTT-QCG.21 ký ngày 14/01/012021 gửi đến UBCK Nhà nước và Sở GDCK TP.HCM, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL - HoSE: QCG) cho biết sẽ khởi kiện Sunny IsLand ra trọng tài quốc tế liên quan đến dự án Phước Kiển, Nhà Bè (TP.HCM). Được biết, QCGL và Sunny Island có quan hệ đối tác từ năm 2016.

Theo đó, 2 bên đã đạt biên bản thỏa thuận ghi nhớ vào 15/10/2016, QCGL sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny. QCGL cũng nhận từ Sunny Island số tiền là 2.883 tỷ đồng.

Tạm ứng của Sunny Island 2.883 tỷ đồng từ năm 2016, Quốc Cường Gia Lai vừa khởi kiện đối tác ra tòa liên quan đến dự án Phước Kiển.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, vào ngày 5/4/2017, 2 bên đã thanh lý biên bản nêu trên do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và 2 bên thông báo đang trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng.

Tuy quá trình đàm phán chưa hoàn tất nhưng QCGL đã dùng số tiền tạm ứng nói trên để xử lý các khoản vay và đầu tư vào các dự án khác. Tại báo cáo kiểm toán năm 2018 cho thấy: tại 31/12/2017, QCGL đã dùng 2.883 tỷ đồng để tất toán nợ vay với BIDV Quang Trung và phát triển các dự án bất động sản. Số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất, dự án đủ điều kiện được phép chuyển nhượng.

Trong báo cáo kiểm toán của QCGL các năm 2018, 2019 tình hình dự án được thông báo là dự án đã tiến triển qua nhiều giai đoạn với hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi dẫn đến một số điều khoản trong hợp đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, 2 bên đang đàm phán để có hướng xử lý phù hợp.

Thậm chí, đến 30/9/2020, QCGL vẫn ghi nhận khoản tiền 2.883 tỷ đồng trên khoản phải trả cho Sunny Island cho dự án này.

Vậy lý do nào QCGL lại thông báo khởi kiện Sunny Island liên quan đến dự án Phước Kiển? Liệu có khuất tất gì liên quan đến quá trình đàm phán hay pháp nhân đối tác Sunny Island?

Trong công văn số 14.1/CNTT-QCG.21 gửi ngày 14/01/012021 gửi đến UBCK nhà nước và Sở GDCK TP.HCM, QCGL cho biết sẽ khởi kiện Sunny IsLand ra trọng tài quốc tế.

Một phần lý do được bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch QCGL cho biết: tại thời điểm 2017, 2 bên chưa thể ký được hợp đồng chuyển nhượng do đối tác yêu cầu cam kết bàn giao mặt bằng trống trong tháng 10, nếu không sẽ bị phạt 50% tiền đã ứng trước. Trong khi đó, QCGL đã đền bù được 92% dự án, 8% đất còn lại đang vướng đất công ở bờ đê. Trên phần đất này, nhiều hộ dân đã xây nhà nhiều năm, tình hình phức tạp. Do đó, cần chờ chính quyền địa phương làm rõ để tránh việc QCGL phải đền bù 2 lần cho Nhà nước và cho người dân (mua bán giấy viết tay).

Cũng theo bà Loan với hiện trạng pháp lý như vậy, phải đến đầu năm 2018, dự án mới có thể đi vào triển khai sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm QCGL công bố khởi kiện thì chưa có thông tin gì thêm về dự án.

Trong một diễn biến có liên quan, hiện tại một loạt cựu lãnh đạo TP.HCM đã bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến dự án này. Theo đó, Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Can, Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP Hồ Chí Minh, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" vì bán rẻ 9 triệu cổ phiếu SADECO, chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiếng với giá bèo.

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cả hai đều là cổ đông của SADECO). Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can để điều tra liên quan đến vụ việc.

Về pháp nhận Sunny Island, CTCP Đầu tư Sunny Island có trụ sở chính ban đầu tại số 8 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, quận 1, TP HCM (tòa nhà văn phòng cho thuê VTP Office Service Center) với vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Công ty được thành lập ngày 16/2/2017 (nhưng QCGL công bố ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ với Sunny Island vào 15/10/2016).

Cổ đông sáng lập Sunny Island gồm các thành viên Chang Ly (40% vốn), Nguyễn Ngọc Hiền (30% vốn) và Văn Kim Phụng (30% vốn). Thời điểm mới thành lập, ông Chang Ly là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc, sinh năm 1966, dân tộc Hoa, quốc tịch Việt Nam, thường trú tại quận 8, TP HCM. Sau 4 tháng thành lập (5/2017), Sunny Island tăng vốn gấp 7,6 lần lên 1.900 tỷ đồng.

Đầu năm 2018, toàn bộ thành viên sáng lập của công ty đều thoái vốn. Thay vào đó là một ban điều hành mới gồm: ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (sinh năm 1965), Phạm Duy Lâm - Thành viên HĐQT (sinh năm 1976) và Hồ Quốc Minh - Thành viên HĐQT (sinh năm 1979).

Thông tin về nhóm điều hành mới này không được Sunny Island công bố, nhưng đồng thời với sự thay đổi này họ tiếp tục đổ thêm tiền vào và nâng vốn lên 2.935 tỷ đồng.

Sau khi có thay đổi về nhân sự lãnh đạo mới, từ tháng 4 đến tháng 7/2018, Sunny Island có 2 lần thay đổi thông tin trụ sở chính, lần lượt là 152/1A Đường D1, quận Bình Thạnh và 152/1A Nguyễn Văn Thương, Bình Thạnh, TP HCM. Công ty có 8 lao động.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCGL người vừa ký đơn thông báo khởi kiện Sunny Island dù công ty đang tạm ứng của đối tác 2.883 tỷ đồng.

Tháng 12/2019, Sunny Island tiếp tục có sự thay đổi toàn bộ về đội ngũ nhân sự lãnh đạo cấp cao. Lúc này, ông Hồ Quốc Minh (sinh năm 1979) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Văn Đình Thăng (sinh năm 1988) làm Thành viên HĐQT); Lê Thị Diên (sinh năm 1990) làm Thành viên HĐQT. Trụ sở công ty một lần nữa chuyển về 107 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

Tháng 7/2020, đội ngũ lãnh đạo lại thay đổi toàn bộ. Ông Nguyễn Công Thái (sinh năm 1975) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Huỳnh Thiên Phúc (sinh năm 1989) làm Thành viên HĐQT, Quách Tuấn Hải (sinh năm 1965) làm Thành viên HĐQT.

Gần đây nhất, tháng 11/2020, ông Nguyễn Hữu Trân (sinh năm 1969) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Các thành viên khác tiếp tục vị trí công tác. Sunny Island cũng rời vị trí trụ sở chính về 66A Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM.

Như vậy, bản thân của Sunny Island có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo là điều khá khó hiểu. Nhiều thông tin đồn đoán nó liên quan đến một tập đoàn bất động sản đầy bí ẩn sở hữu nhiều quỹ đất vàng tại trung tâm Sài Gòn.

Cạnh đó, dự án Phước Kiển có nhiều lùm xùm liên quan đến giải tỏa đền bù và một số vấn đề liên quan đến các cựu lãnh đạo TP.HCM vừa bị khởi tố.

Rất có thể đây là những nguyên nhân khiến vụ kiện của QCGL với đối tác Sunny Island diễn ra dù nhìn trên giấy tờ và các con số nó có vẻ bất hợp lý. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm và thông tin đến bạn đọc nếu có diễn biến mới.