Chứng khoán, bất động sản và vàng… đứng, tiết kiệm sẽ hút dòng tiền trong dân?

Admin

Chứng khoán thanh khoản thấp, giao dịch bất động sản chậm, vàng thiếu hấp dẫn… cộng với bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành khiến tiền gửi tiết kiệm đang hút dòng tiền trong dân.

Theo số liệu công bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6, số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021.

Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống NH thêm hơn 318.000 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt, tốc độ tiền gửi trong dân so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế khác tăng thêm 3,61% so với cuối năm 2021 đạt 5,84 triệu tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống NH thêm hơn 318.000 tỷ đồng.

Một động thái nhằm thu hút dòng tiền của các ngân hàng là, hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, chủ yếu ở kỳ hạn dưới 6 tháng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank cho hay: Nhiều tháng qua và đến hiện tại, giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 hay thậm chí nhiều phiên chỉ còn bằng 1/5 giá trị mỗi phiên so với năm trước. Do đó, nhiều nhà đầu tư (NĐT) tổ chức và NĐT cá nhân lớn đã rút một phần dòng vốn ra khỏi tài khoản chứng khoán khi thị trường liên tục đi xuống. Nhìn chung, dòng tiền lớn không gia nhập TTCK cộng thêm thanh khoản èo uột khiến chứng khoán mất dần tính hấp dẫn.

Trong khi đó, thị trường bất động sản thanh khoản thấp nhưng giá bán không giảm khiến các nhà đầu tư ngần ngại trong việc xuống tiền.

Bên cạnh đó, giá vàng liên tục giảm cộng với chênh lệch giữa vàng trong nước với thế giới quá xa mang lại không ít rủi ro cho nhà đầu tư khiến thị trường đã từng được xem là “nơi trú ẩn an toàn” vẫn bị lạnh nhạt.

Dự báo về xu thế đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT SJC Phú Thọ cho hay: Nếu như trước đây, LS kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng chỉ dao động từ 3,2 - 3,8% thì nay đồng loạt tăng lên từ 4,8 - 5%/năm. Mức LS này sẽ hút lượng tiền gửi trước đây để ở tài khoản vãng lai, không kỳ hạn chuyển sang tiết kiệm. Thông thường đây cũng là dòng vốn lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Khi đó, các NH cũng chủ động hơn trong sử dụng nguồn vốn.

Đồng quan điểm này, ông Khánh cũng nhận định: Với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều NH thương mại thì tôi nghĩ rằng dòng vốn sẽ chảy vào NH nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều NĐT còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì LS kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm thì nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn.

AN NHIÊN