Đáng chú ý, chi phí hoạt động trong kỳ tăng gần gấp 5 lần lên 138 tỷ đồng, bởi doanh nghiệp không có khoản hoàn nhập từ chi phí đánh giá giảm giá trị danh mục đầu tư FVTPL đã trích lập trước đó, trong khi cùng kỳ khoản mục này được hoàn nhập hơn 91 tỷ đồng.
Dẫu vậy, sau khi khấu trừ chi phí, Chứng khoán Rồng Việt vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II hơn 121 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty lý giải kết quả khả quan nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, đặc biệt là đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới.
Thực tế, về hoạt động tự doanh, danh mục FVTPL của Rồng Việt có giá trị thị trường hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, chủ yếu là cổ phiếu niêm yết (851 tỷ đồng) và trái phiếu chưa niêm yết (167 tỷ đồng).
Chi tiết về danh mục đầu tư cổ phiếu, VDSC có sự thay đổi khi bán toàn bộ 58,5 tỷ đổng cổ phiếu DBC và 56,5 tỷ đồng mã ACB. Ngược lại, doanh nghiệp mua thêm 112 tỷ đồng HSG, 93 tỷ đồng MWG và 64 tỷ đồng mã GEX.
Tại ngày 30/6, khoản đầu tư vào HSG có giá trị thị trường là 120 tỷ đồng, tạm lãi 8%; giá trị thị trường của cổ phiếu MWG là 136,5 tỷ đồng, tạm lãi 47% và khoản đầu tư vào GEX ghi nhận giá trị hợp lý hơn 66 tỷ đồng, tạm lãi 3%.
Trong khi đó, khoản đầu tư vào VNM có giá thị trường hiện thấp hơn giá mua, công ty tạm lỗ gần 2 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Chứng khoán Rồng Việt đạt hơn 610 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và hoàn thành 63% kế hoạch năm. Lãi trước thuế theo đó cũng tăng 38% lên hơn 285 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch cả năm của riêng công ty mẹ.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của VDSC đạt gần 6.010 tỷ đồng, tăng gần 14% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin là 2.657 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm nhưng giảm hơn 7% so với thời điểm cuối quý I.
Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, cổ phiếu VDS đóng cửa ở mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 31% so với đầu năm.
HẠ VY