Theo ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank: “Mặc dù trong ngắn hạn tình hình kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh tiếp tục đối diện nhiều thách thức nhưng Techcombank vẫn đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh theo kế hoạch đề ra và có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế nói chung và một số thị trường cụ thể như bất động sản, trái phiếu ….phục hồi mạnh mẽ”.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Techcombank, thu nhập từ dịch vụ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với đóng góp tích cực từ mảng thư tín dụng (LC), dịch vụ thẻ, tiền mặt và thanh toán. Techcombank ghi nhận tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt ở mức 9.3% và 8.1%, cùng với tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lành mạnh. Thu nhập lãi thuần (NII) đạt 6.5 nghìn tỷ đồng, giảm 19.5% so với cùng kỳ năm ngoái, khi biên lãi thuần (NIM, tính trong 12 tháng gần nhất) giảm xuống mức 4.6%.
Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và thanh khoản hệ thống thắt chặt tại Việt Nam từ nửa cuối năm 2022 khiến lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng cao, tỷ lệ CASA toàn thị trường tiếp tục giảm, trong đó Techcombank ghi nhận CASA ở mức 32.0% cuối quý 1/2023. Đối với hoạt động cho vay, Ngân hàng đã linh hoạt điều chỉnh lãi suất để cân đối số tiền lãi khách hàng phải trả với khả năng tài chính để họ có thể tiếp tục thực hiện tốt các nghĩa vụ nợ trong thời kỳ thanh khoản và dòng tiền có thể gặp khó khăn. Với chính sách này thu nhập từ lãi và biên lãi thuần trong ngắn hạn của Ngân hàng có thể bị ảnh hưởng. Khi lãi suất điều hành tiếp tục giảm rõ rệt hơn và thanh khoản thị trường được cải thiện, biên lợi nhuận kinh doanh và các điều kiệu cho vay cũng sẽ nới lỏng dần vào nửa cuối năm. Khi đó, Ngân hàng có thể bù đắp các khoản sụt giảm thu nhập này..
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 14.2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,2 nghìn tỷ, dẫn dắt bởi (i) thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 455 tỷ đồng (tăng 303.3% so với cùng kỳ). Số lượng giao dịch tiếp tục tăng trưởng bền vững (23.3% so với cùng kỳ) trong khi nhu cầu “mua trước, trả sau” cũng tăng lên rõ rệt ở mức 154% so với cùng kỳ và (ii) thu từ thư tín dụng (LC) đạt 932 tỷ đồng (tăng 318.5% so với cùng kỳ)
Từ tháng 3/2023 thị trường ghi nhận tăng trưởng khối lượng trái phiếu phát hành, giúp nâng tổng khối lượng trong quý lên 29 nghìn tỷ đồng, so với gần 4 nghìn tỷ quý 4/2022. Đây là một tín hiệu đầy khích lệ, báo hiệu sự hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thu từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư của Techcombank chỉ đạt 284 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tình hình chung của thị trường.
Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm (đạt 194 tỷ đồng, giảm 11.2% so với cùng kỳ năm ngoái) sụt giảm do ảnh hưởng từ sự thay đổi khẩu vị rủi ro của khách hàng. Ngân hàng ghi nhận 602 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ 4.6% so với cùng kỳ, lên mức 3,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CIR quay về về mức bình thường, 33,8%, sau khi tăng mạnh trong quý 4 năm 2022. Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào số hóa và công nghệ điện toán đám mây, dẫn tới chi phí khấu hao tài sản cố định tăng 47% so với cùng kỳ, và chi phí công nghệ thông tin tăng 170%. Những khoản đầu tư này đã giúp Ngân hàng tiếp tục nâng cao năng suất lao động của nhân viên.
Tổng tài sản đạt 723,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3.5% so với quý trước và tăng 17.6% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, bao gồm cho vay ký quỹ của CTCK Kỹ thương, tăng 28.9% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giảm nhẹ 1.9% so với quý trước, do thị trường bất động sản kém khả quan và lãi suất cao làm sụt giảm nhu cầu tín dụng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) tương đương mức tăng 4.0% so với cùng kỳ, và tăng 19.6% so với quý trước, phản ánh nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn duy trì mạnh mẽ.
Tiền gửi của khách hàng đạt 387,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8.1% so với quý trước tương đương mức tăng 17.8% so với cùng kỳ. Trong đó, số dư tiền gửi có kỳ hạn đạt 263,2 nghìn tỷ đồng (tăng 16.5% so với quý trước, và 61.3% so với cùng kỳ. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 124,1 nghìn tỷ (giảm 6.3% so với quý trước và giảm 25.1% so với cùng kỳ).
Nguồn vốn của Ngân hàng được quản trị chặt chẽ. Tỷ lệ dự nợ cho vay so với tổng vốn huy động (LDR) ở mức 81%, với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 33.5%, đều thấp hơn so với giới hạn quy định. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15% vào cuối quý 1 năm 2023, tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành và cao hơn gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu 8.0% của trụ cột I, Basel II. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được bảo đảm ở mức 0.85%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 133.8%.
Trong quý 1/2023, Techcombank đã thu hút thêm ~424.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 11,2 triệu. Trong đó, 68% khách hàng mới của Techcombank đến từ những nền tảng số. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý lần lượt đạt 238,4 triệu giao dịch (tăng 22.5% so với cùng kỳ năm ngoái); giá trị giao dịch đạt 2,1 triệu tỷ đồng (giảm 21.3% so với cùng kỳ năm ngoái).
Quý 1/2023, Techcombank đã đơn giản hóa quy trình thu hút và mở tài khoản cho các khách hàng doanh nghiệp, nhờ giảm thiểu các yêu cầu về hồ sơ, giúp việc mở tài khoản mới trở nên đơn giản, thuận tiện. Tính tới tháng 4 năm 2023, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng đối với các khách hàng doanh nghiệp tự thực hiện mở tài khoản online hoàn toàn đã tăng 7 lần so với thời điểm tháng 1/2023, trong khi tỷ lệ chuyển đổi khách hàng của khối BB nói chung trên các kênh tăng gấp đôi trong quý 1 năm 2023.
BÍCH THỦY