Theo một số chuyên gia, động thái này có thể là tín hiệu NHNN sẽ bắt đầu mua ngoại tệ trở lại, bơm tiền đồng ra thị trường. Trước đó, do sức ép tỷ giá, NHNN đã phải liên tục bán can thiệp ngoại tệ kể từ đầu năm, đồng thời đến đầu tháng 9, cơ quan này cũng đã dừng niêm yết tỷ giá mua USD.
Sau nhiều biện pháp can thiệp thị trường và đồng USD có xu hướng yếu đi trên thị trường quốc tế, kể từ cuối tháng 11 đến nay, tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể. Hiện giá USD niêm yết tại các thương mại chỉ còn 23.370-23.680 đồng/USD, giảm khoảng 4,9% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10. So với đầu năm, tỷ giá hiện chỉ còn cao hơn khoảng 3,3%.
Theo đó, VND đã quay về vùng mất giá kỳ vọng hàng năm của NHNN. Trong tháng 11, NHNN cũng đã có 4 lần giảm giá bán USD tại Sở giao dịch, tổng cộng 40 đồng, cho thấy áp lực tỷ giá đã không còn căng thẳng như giai đoạn trước.
Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái bơm thanh khoản cho thị trường, sau khi đã nới room tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, NHNN đã nới hạn mức tín dụng cho hệ thống thêm 1,5-2%, bổ sung vào chỉ tiêu định hướng đề ra từ đầu năm 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của hệ thống có thể đạt khoảng 15,5-16%. Theo đó, mức dư nợ mà các ngân hàng có thể cho vay trong 3 tuần cuối năm lên đến 300.000 – 400.000 tỷ đồng. Nhà điều hành cũng cho biết sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực dài hạn cho các ngân hàng thương mại để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định.
Trong tuần trước, NHNN đã bơm ròng 8.100 tỷ đồng VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Bên cạnh kỳ hạn 14 ngày thường thấy, NHNN đã phát hành thêm 9.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày với lãi suất 6,3-7%/năm. Việc phát hành thêm ở kỳ hạn 91 ngày cho thấy thông điệp của cơ quan quản lý về việc cung cấp thanh khoản dài hạn hơn, đảm bảo thanh khoản cho thị trường trong giai đoạn cao điểm cận Tết Nguyên đán.
AN NHIÊN