Sau hàng loạt biến động của thị trường trái phiếu như sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... cơ quan quản lý đã có những động thái thanh lọc thị trường. Do vậy, Thống kê tại gần 20 ngân hàng thương mại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giảm 9% trong năm 2022. Trong đó, hơn một nửa nhà băng giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.
Đứng đầu trong nhóm giảm mạnh dư nợ trái phiếu là Techcombank. Cụ thể, tại Techcombank trong một năm qua lượng trái phiếu doanh nghiệp nhà băng này nắm giữ đã sụt giảm gần 21.800 tỷ đồng, từ 62.000 tỷ đồng (năm 2021) đến cuối năm 2022 lùi về hơn 41.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng giảm mạnh trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tính đến cuối năm 2022 gồm: HDBank (giảm 5.900 tỷ đồng); VietinBank (giảm 5.299 tỷ đồng); SSB (5.100 tỷ đồng)…
Ngược lại với xu hướng chung, một số ngân hàng lại gia tăng dư nợ của mảng trái phiếu. Trong số đó phải kể đến các “tên tuổi” như: MB Bank, VPBank và TPBank.
Điển hình nhất MB trong năm 2022 nhà băng này đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thêm 4.500 tỷ so với cuối năm 2021. Tính đến cuối năm 2022, MB đầu tư 46.870 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, trở thành nhà băng đứng đầu (trong số 20 ngân hàng khảo sát) hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.
VPBank cũng là nhà băng đang ôm cả tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022. So với năm 2021, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà VPBank nắm giữ đã tăng hơn 5.000 tỷ đồng, từ 27.700 tỷ lên 32.800 tỷ đồng.
Tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, TPBank cũng trở thành một trong 4 ngân hàng nắm tới gần 1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, lượng trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 của TPBank đang đứng ở mức 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
"Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị "nhảy" nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống", báo cáo của FiinRatings nhận định.
Đây cũng là một trong những lý do, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản…
MINH TRÍ