#

Luật Doanh nghiệp năm 2020: Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, không phải thông báo mẫu con dấu

Admin

Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Luật này có nhiều điểm mới, ảnh hưởng đến việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp.

Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM

Với nhiều điểm mới sửa đổi, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình thành lập doanh nghiệp.

Thêm hình thức nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ theo một trong hai phương thức là nộp trực tiếp và nộp qua mạng thông tin điện tử. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, một số cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã thực hiện việc trả kết quả qua bưu điện.

Theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, Luật chính thức ghi nhận các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, gồm: đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Việc ghi nhận đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là sự tiến bộ đáng ghi nhận, là tiền đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp củaLuật Doanh nghiệp 2020. Điều này hướng đến sự thuận lợi về khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu

Luật Doanh nghiệp 2014 đã có sửa đổi, bổ sung đáng kể về con dấu của doanh nghiệp so với trước đây, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật vẫn quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu gồm tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp 2014 còn quy định trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục thực hiện một bước cải cách đáng kể về con dấu của doanh nghiệp là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu.

Cụ thể, khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật. Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không còn quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung quy định doanh nghiệp có thể có “dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” bên cạnh “dấu được làm tại cơ sở khắc dấu”.

Việc bổ sung này mặc dù mới so với Luật Doanh nghiệp 2014 nhưng không hẳn là nét mới mang tính đột phá bởi lẽ chữ ký điện tử vốn đã được doanh nghiệp sử dụng trên thực tế từ rất lâu; Luật Giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2015 đã có quy định về chữ ký điện tử. Do đó, Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận “dấu dưới hình thức chữ ký số” là một bước ghi nhận cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế cách mạng công nghiệp hiện nay mà thôi.

Mặc dù đã có bước sửa đổi đáng kể nhưng Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn chưa minh thị doanh nghiệp có bắt buộc phải có con dấu hay không. Và như Luật Doanh nghiệp 2014 trước đây và các quy định của pháp luật liên quan, thực tế doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải có con dấu vì cần phải sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

K.ĐIỀN