Cụ thể, theo Nghị định 155/2020, cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết nếu tổ chức kiểm toán từ chối thực hiện kiểm toán, từ chối cho ý kiến hoặc có ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính năm trong ba năm liên tiếp.
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán năm 2022, 2023 và bán niên 2024. Nếu tiếp tục có ý kiến này trong báo cáo kiểm toán năm nay, DLG rơi vào trường hợp có ý kiến ngoại trừ trong ba năm liên tiếp.
Hồi đầu tháng 4, cổ phiếu này bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát do báo cáo tài chính kiểm toán trong hai năm gần nhất báo lỗ. Doanh nghiệp này cũng vướng tranh chấp với Công ty cổ phần Lilama 45.3, liên quan đến việc thanh toán nợ.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong hai doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016-2018, với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty bắt đầu đi xuống từ năm 2020 khi những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ăn mòn lợi nhuận. Năm 2020, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng. Lợi nhuận của họ trở lại số dương một năm sau đó, nhưng 2022 tiếp tục báo lỗ hơn nghìn tỷ. Thời điểm này đơn vị kiểm toán bắt đầu đưa ra ý kiến ngoại trừ, chủ yếu quanh việc thu hồi các khoản phải cho vay và khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
Nửa đầu năm nay, ý kiến ngoại trừ tiếp tục được đưa ra khi Đức Long Gia Lai còn lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ, nợ ngắn hạn vượt tài sản hơn 800 tỷ và có hơn 2.300 tỷ đồng nợ phải trả, các khoản vay quá hạn thanh toán.
THỊNH HUY