Trần Dương

Lãi sau thuế tăng mạnh, Dệt May Thành Công (TCM) vi phạm hành chính về thuế

Nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ ngày 24/7, nhưng mãi đến ngày 5/9 mới công bố thông tin, TCM đã bị HoSE nhắc nhở.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), ngày 05/09/2024, HoSE nhận được văn bản của Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố thông tin về việc vi phạm hành chính về thuế của Cục Thuế TPHCM, theo Quyết định số 2459/QĐ-CT ngày 19/07/2024 (Công ty nhận được văn bản này vào ngày 24/07/2024) và Quyết định số 79/QĐ-CT-KN ngày 27/08/2024 của Cục Thuế TPHCM về việc giải quyết khiếu nại của TCM.

tc-1-1726536099.jpg

Chậm công bố thông tin vi phạm hành chính về thuế, TCM bị HoSE nhắc nhở.

HoSE cho biết, căn cứ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020: "1. Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: ....o) Khi nhận được bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án liên quan đến hoạt động của công ty; Quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế;...".

“Như vậy, Công ty đã chậm công bố thông tin theo quy định đối với Quyết định số 2459/QĐ-CT ngày 19/07/2024 của Cục Thuế TPHCM về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM nhắc nhở Công ty nghiêm túc tuân thủ các quy định trên thị trường chứng khoán”, HoSE nhấn mạnh.

Trước đó, theo Quyết định số 2459/QĐ-CT ngày 19/07/2024 của Cục Thuế TPHCM, TCM bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng do có hành vi vi phạm là nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày (Thuế nhà thầu nước ngoài - NTNN). Tờ khai thuế NTNN theo lần phát sinh, kỳ tháng 6/2024. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Ngay sau đó, TCM đã có văn bản Khiếu lại Quyết định 2459/QĐ-CT của Cục Thuế TPHCM vì cho rằng, khi lập Tờ khai thuế NTNN theo từng lần phát sinh (mẫu 01/NTNN) nộp cho cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Công ty đã chọn nhầm kỳ tính thuế là ngày 03/6/2024 thay vì chọn đúng là ngày 13/6/2024;

Đồng thời cho rằng, trước khi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, Công ty không nhận được Biên bản vi phạm hành chính về thuế số 2095/BB-VPHC của Cục Thuế TPHCM theo địa chỉ e-mail Công ty đã đăng ký với cơ quan thuế, nên Công ty không kịp thời giải trình.

tc-2-1726536158.jpg

Trên thị trường, cổ phiếu TCM chốt phiên giao dịch ngày 16/9 đạt 45.800 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 15% so với hồi đầu tháng 7.

Tuy nhiên, theo kết quả xác minh nội dung khiếu nại của TCM, Cục Thuế TPHCM cho biết, TCM nộp Tờ khai thuế NTNN mẫu số 01/NTNN, kỳ tính thuế: 03/6/2024 vào ngày 13/6/2024, Cục Thuế TPHCM đã lập Biên bản vi phạm hành chính (điện tử) gửi đến tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế vào ngày 10/7/2024 nhưng Công ty không thực hiện giải trình trong thời hạn quy định.

Kết quả tra cứu thông báo thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế từ mã số thuế của TCM (0301446221) và mã số thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài Million Hill International Limited (0311988103) đều cho kết quả Biên bản vi phạm hành chính về thuế số 2095/BB-VPHC đã được gửi đến tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế. Vì vậy, việc Công ty cho rằng không nhận được Biên bản vi phạm hành chính để giải trình trong thời gian quy định là không có cơ sở.

Do đó, việc Cục Thuế TPHCM ban hành Quyết định số 2459/QĐ-CT ngày 19/7/2024 xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với TCM về hành vi chậm nộp tờ khai thuế NTNN là đúng quy định. Đồng thời kết luận, nội dung khiếu nại của TCM là sai toàn bộ.

Về kết quả kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.780 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thị trường xuất khẩu tăng 14% so với cùng kỳ đạt hơn 1.582 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là thị trường Hàn Quốc với đơn hàng 10 triệu sản phẩm từ E-land; Doanh thu chủ yếu đến từ 3 mảng chính là sản phẩm quần áo cuối cùng (74%), vải dệt thoi (14%), sợi (8%).

Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh với số lãi đạt gần 135 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cùng kỳ, trong đó: Biên lợi nhuận mảng may mặc tăng mạnh lên 17%, chủ yếu tăng nhờ biên lợi nhuận của thị trường nước ngoài (tăng 30% so với cùng kỳ).

Theo Chứng khoán Nhất Việt (VFS), việc biên lợi nhuận tăng mạnh từ thị trường nước ngoài xuất phát từ do trong năm 2023, TCM chủ yếu nhận các đơn hàng CMT với biên lợi nhuận thấp, chỉ từ 12-14%, nhằm giảm thiểu rủi ro từ biến động giá bông nguyên liệu. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, các đơn hàng FOB đã quay trở lại, chiếm 90% doanh thu với biên lợi nhuận cao hơn, đạt từ 16-18%.

Cũng theo VFS, tính đến hết tháng 7/2024, TCM đã nhận 90% đơn hàng cho doanh thu kế hoạch quý III và 82% đơn hàng kế hoạch doanh thu quý IV/2024.

Công ty Chứng khoán này cũng dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của TCM với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt hơn 3.892 tỷ đồng và gần 283 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,07% và 111,44% so với cùng kỳ.

“Doanh thu và lợi nhuận đều tăng do năm 2024 được kỳ vọng từ số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô toàn cầu nói riêng và Việt Nam nói chung được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn so với năm 2023”, VFS nhận định.

ĐÌNH ĐẠI