Guồng máy kinh tế hình ảnh vận hành bởi những hệ thống truyền thông đa kênh, tích hợp và được sáng tạo bởi những bộ óc sáng tạo siêu việt, những trung tâm văn hoá và kinh tế lớn của thế giới.
Trong 10 năm trở lại đây theo dõi nhiều nguồn thông tin khác nhau, chúng tôi đã thấy có sự quan tâm của nhà hoạch định chính sách và những địa phương lớn trong nước hướng tới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và đáp ứng sự dịch chuyển từ kinh tế nông nghiệp, sản xuất công nghiệp sang kinh tế dịch vụ và tri thức. Tuy nhiên việc chỉ rõ là định hình hay định lượng kinh tế hình ảnh vẫn chưa đi vào thực chất trong khi đó quy mô của kinh tế hình ảnh là rất lớn.
Phía sau các chuỗi giá trị kinh tế hình ảnh không gì khác hơn đó là các thương hiệu hàng đầu của thế giới, chiếm gần như là một nửa doanh thu của toàn bộ các guồng máy kinh tế hình ảnh. Bên cạnh đó, kinh tế hình ảnh là một nền kinh tế sạch sẽ và văn minh, hầu như không khói, ít chất thải, và có môi trường làm việc lành mạnh. Tức là môi trường làm việc đáng mơ ước dành cho những người có năng lực sáng tạo, thiết kế, trình diễn, ý tưởng, kịch bản, nhiếp ảnh và quay phim, mỹ thuật, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, trang trí, thời trang, kiến trúc…với hàng loạt kỹ năng về vẻ đẹp, kỹ năng về hình thể, kỹ năng tạo dựng các hiệu ứng nghe nhìn, kỹ năng sáng tạo các biểu trưng.
Để quý bạn có thể hình dung cụ thể, xin đơn cử những ngành, hay chuỗi giá trị tiêu biểu của nền kinh tế hình ảnh, như sau:
Ngành Thiết kế (design)
Thiết kế là một ngành công nghiệp khổng lồ. Từ vật phẩm quảng cáo, nhận diện thương hiệu, bao bì, đồ chơi, không gian mua sắm, truyền thông xã hội, đồ hoạ trang trí… cho thiết kế vật dụng gia đình, máy móc công nghiệp, nhất là xe hơi – là đỉnh cao của design.
Ngành Kiến trúc
Tuy gần với thiết kế, nhưng kiến trúc hướng đến những công trình, không gian sống, làm việc, nghỉ ngơi, công trình công cộng…xã hội và kinh tế càng phát triển, con người luôn hướng đến những giạ thẩm mỹ, tiện nghi, tiện lợi, sinh thái học, công thái học, sự đồng bộ và hài hoà, sự tối giản và thân thiện, tiết kiệm năng lượng…
Ngành thể thao và giải trí
Những trận đấu boxing hàng tuần tại các sàn thi đấu chứa hàng vạn khán giả ở Las Vegas như Mandalay Bay, Planet Hollywood… MMA và Muay Thai cũng đang làm mưa làm gió ở khắp Đông Nam Á. Ngay tại Việt Nam giải đấu võ tự do One Championship cũng từng thu hút kênh truyền thông phat sóng ra hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Ngành Nhiếp ảnh và quay phim, dựng phim thương mại
Với sự phát triển các phương tiện kỹ thuật như hiện nay, hầu như bất kỳ ai cũng có thể tự mình chụp ảnh, quay phim và dựng phim, đó là một xã hội truyền thông – xã hội sáng tạo. Tuy nhiên để có những hình ảnh và clip đẹp, chất lượng, chuyên nghiệp thì cần nhiều hơn thế, cần phải học hỏi và trang bị nhiều thiết bị phức tạp và đắt tiền hơn, với đầu óc sáng tạo cao siêu hơn.
Ngành Thời trang, phụ kiện và Trang sức
Ngay tại Việt Nam từ lâu những tên tuổi trong ngành này đã đạt mức doanh thu tỷ đô (Vinatex, PNJ, DOJI, SJC…). Trên thế giới ông trùm Bernard Arnauld từng xếp hạng top là chủ hãng thời trang Louis Vuiton lừng danh, cũng như Amancio Ortega của hãng Zara.
Ngành Điện ảnh
Cần nhắc đến tập đoàn CJ Hàn Quốc với ngành điện ảnh họ đầu tư lớn và mời đạo diễn Steven Spielberg làm chủ tịch hãng phim, gần đây đoạt giải Oscar với siêu phẩm Paracide. Ngành điện ảnh đóng góp doanh thu và lợi nhuận to lớn cho nhiều quốc ga, Mỹ, Ấn độ, TQ, Hàn Quốc…
Ngành Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn
Khi thế giới hội nhập những trào lưu văn hoá và âm nhạc giao thoa với tạo ra một thị trường toàn cầu, những hiện tượng, biểu tượng âm nhạc thế giới như The Beatles, Elvis Presley, Michael Jackson, Yanni, Sting, Scorpion… có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Ngành âm nhạc Việt Nam cũng từng sớm phát triển và hiện nay cũng đang tiếp tục phát triển mạnh, có những MV đạt mức trăm triệu view với doanh thu khổng lồ, kéo theo những guồng máy sản xuất kỹ thuật cao.
Tham số kinh tế tiêu biểu nhất của nền kinh tế hình ảnh cũng khá dễ hiểu, dựa trên nguyên tắc cơ bản và đơn giản: “càng có nhiều người xem thì càng có nhiều tiền thu về”. Đó là những nguồn thu rất dễ hình dung, thu từ bán vé trực tiếp, thu từ các thương hiệu tài trợ và đồng hành, thu từ bán trang phục có hình ảnh logo hay hình ảnh của ngôi sao, doanh thu từ hàng loạt sản phẩm và dụng cụ thiết kế theo hình ảnh và có chữ ký của các idol, doanh thu từ bản quyền truyền thông đa kênh. Theo đó những ông trùm mới nổi như Youtube và Facebook đang ngày càng chiếm lĩnh vượt trội hơn so với truyền hình trước đây, cũng như Netflix đang vượt mặt phòng vé.
Khi mà sản xuất công nghiệp đang rời bỏ những đô thị giàu có xa hoa, sản xuất toàn cầu có sự dịch chuyển gần đây và sự nổi trội của kinh tế hình ảnh Hàn Quốc, thì ở trong các đô thị lớn là sự phát triển của dịch vụ, sáng tạo, giải trí, thiết kế, mua sắm… đó là sự hình thành kinh tế hình ảnh. Kinh tế hình ảnh còn là động lực của du lịch. Thủ đô Paris với hàng loạt di sản kiến trúc, bảo tàng và quan điểm đô thị văn hoá, đô thị ánh sáng đã nhiều năm dẫn đầu thế giới về khách du lịch.
TS VÕ VĂN QUANG - Chuyên gia thương hiệu