Trần Dương

Không quá lo lắng về lạm phát và việc FED tăng lãi suất

Admin

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 1/2022, VNDirect chỉ ra những rủi ro vĩ mô trong năm 2022.

Lạm phát 2022 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ cho CPI bình quân năm 2022 tăng dưới 4%.

Theo phân tích của VNDirect, áp lực lạm phát sẽ tăng lên vào năm 2022, do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, cầu tiêu dùng nội địa phục hồi và nguồn cung thịt lợn thắt chặt hơn trong nửa cuối năm 2022 có thể khiến chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng đáng kể trong năm tới.

Ngoài ra giá năng lượng dự kiến duy trì ở mức cao vào năm 2022 với dự báo giá dầu thô Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng trong năm 2022 (tăng 14,3% so với cùng kỳ)

VNDirect cũng kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ về giao thông, du lịch vào năm 2022 khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách cách xã hội và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ quý I/2022. Đây sẽ là yếu tố làm tăng chỉ số CPI nhóm giao thông.

Có thể thấy rõ giá nhiều yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất hàng hóa đã tăng mạnh trong 10 tháng năm 2021 như giá xăng dầu, hóa chất, phân bón, than, sắt thép. Các yếu tố này sẽ được phản ánh vào giá của hàng tiêu dùng vào năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

Cuối cùng, áp lực lạm phát gia tăng do cung tiền dự kiến sẽ cao hơn và các gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn được thực thi vào năm 2022.

VNDirect nhấn mạnh lại quan điểm không quá lo ngại về rủi ro lạm phát trong năm tới do cầu tiêu dùng cần nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, thành tích kiểm soát lạm phát tốt của Chính phủ trong vài năm qua, qua đó làm giảm lạm phát kỳ vọng. Đáng chú ý, Chính phủ vẫn có những công cụ hiệu quả để kiểm soát lạm phát thông qua việc bình ổn giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, giá điện bán lẻ, phân bón, thuốc trừ sâu, thực phẩm thiết yếu (gạo, đường, muối),...

VNDirect dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng 3,45% so với cùng kỳ. Lạm phát 2022 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ cho CPI bình quân năm 2022 tăng dưới 4%.

Rủi ro tiếp theo được đề cập đến là liệu Việt Nam có thể ứng phó với tác động của “taper tantrum” (FED cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, tăng lãi suất).

VNDirect có quan điểm việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương như FED và ECB không nên được coi là thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.

VNDirect tin rằng bối cảnh trên thị trường tài chính toàn cầu vào năm 2022 sẽ vẫn thuận lợi hơn so với thời kỳ trước đại dịch.

Việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sẽ không tác động lớn đến chính sách tiền tệ cũng như thị trường tài chính của Việt Nam.

Hải Anh