Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày hôm 15-12, Ủy ban Thị trường Liên bang mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, thông báo FED sẽ thu hẹp nhanh hơn đối với chương trình mua tài sản hằng tháng được triển khai trong suốt thời kỳ dịch bệnh để duy trì dòng tiền chảy trên các thị trường và hỗ trợ kinh tế phục hồi nhanh hơn.
Bắt đầu từ tháng 1-2022, FED sẽ mua 60 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng, giảm 30 tỉ USD so với mức mua trong tháng 12 này. Điều này đồng nghĩa với việc FED sẽ tiến đến chấm dứt chương trình mua tài sản vào tháng 3 thay vì tháng 6-2022 như dự tính trước đây.
Thông báo của FOMC giải thích quyết định này được đưa ra trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn dai dẳng và thị trường lao động Mỹ đã ngày càng cải thiện. Việc đẩy nhanh tiến độ chấm dứt mua tài sản sẽ khiến FED nhanh chóng tăng lãi suất cơ bản, vốn đang ở mức thấp kỷ lục, nếu các quan chức FED cho rằng đó là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát. Thông thường, FED sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản trước khi tăng lãi suất.
Các dự báo kinh tế của FED cho thấy các quan chức FED dự kiến sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm tới và 2 đợt tăng nữa trong năm 2023.
FOMC cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay về mức 5,5% so với mức 5,9% được đưa ra hồi tháng 9, nhưng nâng dự báo tăng trưởng trong năm 2022 lên mức 4% so với mức trước đây là 3,8%. FOMC cũng lưu ý rằng diễn tiến của đại dịch Covid, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, đang gây ra rủi ro cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
FED đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để vạch ra một lộ trình giảm từ từ các nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các quan chức đã chủ động giảm các nỗ lực này vì lo mức lạm phát tăng bùng nổ trong năm nay có thể kéo dài.
FED muốn ổn định giá cả tiêu dùng trong khi thúc đẩy thị trường lao động phát triển mạnh mẽ và hai mục tiêu đó đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1982. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn chưa dịu lại.
Thông báo của FOMC cho biết, tình trạng mất cân đối cung cầu trong đại dịch Covid-19 và tiến trình tái mở cửa kinh tế tiếp tục kích thích lạm phát tăng cao.
FOMC dự báo lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên mức 5,3% trong năm 2021 trước khi giảm về mức 2,6% trong năm 2022.
Trong khi đó, lương của người lao động Mỹ đang tăng, có thể gia tăng thêm sức ép cho lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm về mức 4,2%, thấp hơn rất nhiều so với mức hai con số trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19. Song nhiều người dân Mỹ vẫn chưa đi làm trở lại do lo sợ lây nhiễm Covid-19 hoặc phải ở nhà chăm con nhỏ do thiếu bảo mẫu và vú nuôi.
Một số nhà kinh tế hoài nghi khả năng của FED trong việc duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế vì họ cho rằng FED đã chậm chuyển dịch trọng tâm vào các nỗ lực kiểm soát mối đe dọa của lạm phát vốn tăng bền bỉ trong suốt năm qua.
Tường Lam
Theo NY Times, CNBC