Chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của Chính phủ sẽ kết thúc vào cuối tháng 5-2022 tới đây. Chính vì vậy, ở thời điểm này, nhiều người tranh thủ đến các đại lý đặt cọc dù chưa biết ngày nào mới nhận được xe.
Do nhu cầu mua ô tô tăng cao và có dấu hiệu khan hàng, nhiều hãng xe đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán hoặc bán xe kiểu “bia kèm lạc”.
Mua ô tô phải chờ dài cổ
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số đại lý ở khu vực TP.HCM, nhiều khách hàng đến đại lý ô tô để xem xe và ký hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, rất hiếm mẫu xe có thể giao ngay nên khách đành phải chờ cả tháng, thậm chí gần nửa năm mới có xe.
Một nhân viên bán hàng tại đại lý Kia Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết hiện mẫu K5 bản cao nhất có giá lăn bánh hơn 1,1 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ có sẵn màu xám cho khách. Còn với các màu khác, khách hàng phải chờ và chưa biết chính xác khi nào xe mới về.
“Cuối tháng 5, xe lắp ráp trong nước sẽ không còn được hưởng ưu đãi phí trước bạ. Vì vậy, sau thời điểm trên, khi mua mẫu K5, khách hàng sẽ phải trả thêm khoảng 60 triệu đồng. Nhưng nếu ngay bây giờ khách hàng đặt cọc trước cho đại lý 5-10 triệu đồng, đại lý sẽ hỗ trợ đóng phí trước bạ. Như vậy, khách vẫn được hưởng chính sách ưu đãi phí trước bạ” - nhân viên này cho hay.
Nhân viên này thông tin thêm hiện tại hãng xe nào cũng đang thiếu hàng vì tình trạng thiếu linh kiện, đặc biệt là các mẫu xe như Seltos, Sonet... Riêng mẫu xe Carnival đặt hàng từ trước tết Nguyên đán đến nay mới có thể giao xe cho khách. “Chậm giao xe nên em cũng bị khách hàng trách móc nhưng khan hiếm xe cũng đành chịu” - nhân viên này chia sẻ.
Tương tự, tại đại lý Ford Việt Nam trên đường Phổ Quang có khá nhiều khách hàng đang xem xe. Có điều nếu khách hàng muốn mua bất kỳ mẫu xe nào đều phải chờ. “Thị trường bây giờ không có xe giao cho khách trong khi nhu cầu lại nhiều. Vì vậy khách hàng muốn mua xe phải đặt cọc sớm, để khi xe về thì đại lý mới phân bổ được. Hiện các đại lý đều trong tình trạng cứ có chiếc xe nào về là khách lấy ngay” - nhân viên bán hàng của Ford cho hay.
Không chỉ khan hiếm, gần đây hàng loạt mẫu xe tăng giá bán hoặc bán hàng kiểu “bia kèm lạc” (mua xe kèm phụ kiện) nếu muốn nhận xe sớm. Điều này khiến không ít khách hàng bức xúc.
Nguồn cung tiếp tục gặp khó
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cho rằng tình trạng khan hiếm xe hiện nay chủ yếu do nguồn cung không đủ nên người mua buộc phải chờ đợi lâu hoặc nhận lại cọc. Nguyên nhân dẫn đến khan hàng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến khủng hoảng nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu và làm gián đoạn quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra nhiều tổn thất cho ngành sản xuất ô tô và đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
Ngay từ đầu năm nay, nhiều hãng đã dự báo nguồn cung ô tô sẽ sụt giảm mạnh do thiếu linh kiện, phụ tùng và đã chuẩn bị nhưng vẫn thiếu hụt xe. “Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng cần tính toán kỹ về mặt tài chính, nhu cầu thực sự khi mua ô tô. Còn đối với những đại lý bán xe kiểu “bia kèm lạc”, khách hàng cần tẩy chay, lựa chọn những đại lý uy tín” - ông Trường khuyến nghị.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng lý giải tình trạng khan hàng nhiều mẫu xe ngoài thiếu chip còn do nguồn cung phụ tùng, linh phụ kiện ô tô được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, nhiều hãng xe không có kế hoạch dự trữ linh phụ kiện dẫn đến tình trạng giảm công suất sản xuất.
Để giải quyết bài toán trên, ông Đồng cho rằng cần có giải pháp khuyến khích các hãng xe đầu tư sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam. Ví dụ, Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế đối với các linh kiện sản xuất trong nước.
“Trước mắt để tăng sức mua ô tô trong nước cần phải giảm giá bán xe. Để giảm giá xe thì phải giảm thuế, như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mẫu xe có dung tích động cơ nhỏ. Vì chỉ tăng cầu thì các hãng xe mới có thể tăng công suất, giảm giá thành ô tô sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam” - chuyên gia này nhấn mạnh.