Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường tại cuộc họp về giải quyết vướng mắc trong việc thanh toán tiền mua căn hộ chung cư tái định cư đối với các trường hợp bị giải toả bởi dự án đường Vành đai 3.
Nới lỏng điều kiện cho người dân
Đối với các trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở TN&MT hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Đối với những trường hợp có nhà bị giải toả trắng, không đủ điều kiện tái định cư và không còn chỗ ở nào khác, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT tổng hợp và báo cáo để Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP.HCM xem xét, quyết định. Trong đó, cần nêu rõ điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc, phương án thanh toán, chế tài có liên quan sau khi có chủ trương đồng ý thực hiện.
Là một trong những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, nhưng vấn đề giải tỏa mặt bằng và di dời người dân là một trong những rào cản cho tiến độ dự án. Trong đó bao gồm việc thanh toán tiền mua căn hộ tái định cư đối với các hộ dân được nhận bồi thường thấp hơn giá bán căn hộ.
Trong trường hợp của dự án Vành đai 3, đa phần các hộ nhường đất là dân lao động, không có điều kiện kinh tế để trả một lần tiền mua căn hộ tái định cư, theo ông Võ Trung Trực – Phó Giám đốc Sở TN&MT kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Do vậy, việc chấp thuận cho người dân mua trả góp căn hộ vừa đúng quy định vừa mang tính nhân văn, phù hợp với thực tiễn.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua địa bàn bốn địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án được khởi công vào tháng 6/2023, các địa phương đang phấn đấu hoàn thành phần cao tốc năm 2025 và thông xe toàn tuyến vào năm 2026.
Nhờ áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan, công tác giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn thành phố đã trở thành mô hình và dự án kiểu mẫu.
Tăng tốc đầu tư công
Có thể thấy, các chủ trương quyết liệt này nằm trong nỗ lực của TP.HCM trong việc tăng tốc triển khai dự án Vành đai 3 trọng điểm. Đây là dự án được cho là một trong các trục giao thông huyết mạch tạo sức bật cho kinh tế phía Nam.
Theo các chuyên gia, khi tuyến đường Vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực Đông Nam Bộ. Đây là công trình giao thông lớn nhất phía Nam được khởi công từ tháng 6 năm ngoái. Đặc biệt, dự án này còn giúp gia tăng kết nối liên vùng, nhất là từ trung tâm kinh tế TP.HCM đến các thủ phủ công nghiệp, nông nghiệp, đô thị vệ tinh…
Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm của đất nước được xem là tín hiệu vui cho thị trường bất động sản. Theo thống kê của Savills, hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn và 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai TP.HCM.
Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng với cam kết tạo ra mạng lưới giao thông toàn quốc toàn diện vào năm 2045. Mạng lưới đó sẽ bao gồm 5.000 km đường cao tốc, một cảng nước sâu và hai tuyến đường sắt cao tốc. Một trong những dự án tạo tác động lớn là sân bay quốc tế Long Thành gần TP.HCM có khả năng phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm và vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa.
Qua nghiên cứu từ các chuyên gia, nhiều phân khúc của thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi từ quá trình đầu tư công. Điển hình như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có thể đón thêm hàng triệu khách mỗi năm khi các dự án hoàn thành. Cùng với đó, công suất hàng hoá vận chuyển bổ sung cũng sẽ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất và kho bãi ở các khu vực xung quanh sân bay, tạo đà cho bất động sản công nghiệp và kho bãi phát triển.
VI ANH