Trần Dương

Doanh nhân nổi tiếng tuổi Sửu: Trần Đình Long, người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán, làm giàu từ ngành thép, đầu tư mạnh vào nông nghiệp - Kỳ 1

Admin

Sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, tỷ phú Trần Đình Long, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thành lập Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát vào năm 1992. Từ đó đến nay ông đã phát triển Hòa Phát trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thép. Bản thân ông được mệnh danh là “Vua Thép”. Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, Hòa Phát vẫn tăng trưởng mạnh mẽ giúp tổng tài sản của vua thép đạt 1.9 tỷ USD trở thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán.

Năm 1992, ông Long cùng bạn bè lập doanh nghiệp đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát - Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, đơn vị đầu tiên thời điểm đó kinh doanh máy móc thiết bị. Đến năm 1995, Hòa Phát thành lập doanh nghiệp kinh doanh nội thất, chuyên làm đại lý phân phối cho các sản phẩm nội thất nhập ngoại.

Ông Trần Đình Long, người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán, làm giàu từ ngành thép, đầu tư mạnh vào nông nghiệp.

Năm 1996, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát được thành lập. Bốn năm sau vào năm 2000, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát chính thức đi vào hoạt động.

"Một đất nước mới công nghiệp hóa sẽ phải xây rất nhiều cơ sở hạ tầng", ông Long nói với Bloomberg trong lần trả lời phỏng vấn vào cuối năm 2020.

Chính vì thế, ông Long quyết định đẩy mạnh mảng kinh doanh cốt lõi là thép.

Năm 2007, Hòa Phát lên sàn. Trong báo cáo tài chính của Tập đoàn mảng kinh doanh cốt lõi vẫn là thép chiếm phần lớn doanh thu của tập đoàn với 60%.

Hòa Phát được biết đến với căn cứ địa đầu tiên là Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương. Nhưng để nâng tầm tập đoàn ông Long quyết định đầu tư chiến lược vào Dung Quất, Quảng Ngãi.

Dự án Dung Quất giúp Hòa Phát khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm thép, từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, thép dự ứng lực.

Theo tính toán của VCSC, HPG ghi nhận thị phần 33% trong 9 tháng 2020 so với 26% tính đến cuối 2019. Tiêu thụ của tập đoàn tăng kỷ lục bất chấp sự sụt giảm của thị trường chung do ảnh hưởng từ đại dịch.

Năm 2020, lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt lũy kế trên 5 triệu tấn, trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn.

Chính những thành công như vậy giúp cổ phiếu Hòa Phát đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua khi lợi nhuận của Hòa Phát tăng vọt, giúp tài sản của ông Long và vợ tăng lên 1,9 tỷ USD.

"Việt Nam hiện có thứ hạng thấp về tiêu thụ thép trên đầu người, khi đất nước chỉ mới bước những bước đi đầu tiên trong phát triển cơ sở hạ tầng", bà Phạm Mai Trang, một lãnh đạo tại quỹ đầu tư Dragon Capital Group nhận xét. Chính vì vậy, đây là cơ sở để tin tưởng dư địa phát triển của ngành thép còn rất lớn.

Chính vì những định hướng rõ ràng như thế nên năm 2020 đã cho quả ngọt. Năm 2020, doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng, tăng 80%.

Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, đặc biệt là sản lượng thép cuộn cán nóng HRC. Dự kiến, Hòa Phát sẽ đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng, chiếm 40% thị phần thép trong năm 2021.

Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi là thép, Hòa Phát còn tiến mạnh vào mảng nông nghiệp.

Theo đó, mảng nông nghiệp của Hòa Phát đã bắt đầu "cất cánh" từ năm 2019 với doanh thu tăng 172% nhờ mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. tăng trưởng mạnh mẽ của các mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Sản lượng tiêu thụ bò Úc chiếm trên 50% thị phần toàn quốc (từ mức 42% năm trước đó); sản lượng trứng gà đạt 450.000 quả/ngày.

Theo báo cáo kinh doanh hợp nhất quý I/2020, mảng nông nghiệp tăng trưởng đột biến. Trong quý I/2020 riêng mảng nông nghiệp tăng 58,5% cao gấp đôi so với sản xuất và kinh doanh thép tăng hơn 30%.

Cụ thể trong năm 2020, nông nghiệp là mảng đột phá nhất trong khi mang về 482 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nếu tính theo bộ phận, tăng 422% cùng kỳ năm trước và chiếm 13,7% tổng lợi nhuận của các mảng kinh doanh, tăng mạnh so với con số khiêm tốn 3% của cùng kỳ 2019.

Chính những thành công như vậy giúp cổ phiếu Hòa Phát đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua khi lợi nhuận của Hòa Phát tăng vọt, giúp tài sản của ông Long và vợ tăng lên 1,9 tỷ USD.

"Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi chỉ có niềm đam mê và không biết sợ là gì", ông Long nói với truyền thông mới đây.

Và hiện tại ông Long đã lãnh đạo công ty mang tính chiến lược hơn và ít liều lĩnh hơn. Doanh nhân tuổi Tân Sửu vẫn còn “cày” miệt mài đúng như cái tuổi vận vào người ông. Và có lẽ, ông Trần Đình Long không chỉ nổi danh với “vua thép”, biết đâu một ngày nào đó ông sẽ mang một biệt danh khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp?

MINH TRÍ