Trần Dương

Doanh nghiệp địa ốc áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm

Trong tháng 12, trái phiếu sắp đáo hạn của nhóm bất động sản đạt gần 12.400 tỷ đồng, chiếm 46% tổng giá trị trái phiếu sắp đáo hạn.

Dựa trên dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày 01/12/2023, các doanh nghiệp đã mua lại 10.664 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11/2023.

tphieu-1-1702259844.png

Trong tháng 12, trái phiếu sắp đáo hạn của nhóm bất động sản đạt gần 12.400 tỷ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn, tính từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt 210.003 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 84,2% giá trị phát hành.

Áp lực "bủa vây" doanh nghiệp địa ốc

Theo VBMA, trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 26.761 tỷ đồng. Trong đó, 46% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 12.372 tỷ đồng. Tiếp đến là nhóm ngân hàng với 4.030 tỷ đồng, chiếm 15%.

Theo thông tin từ HNX, trong tháng 12/2023, doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn nhất đến hạn phải trả là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc, với 2.400 tỷ đồng. Theo đó, trái phiếu có mã DPQB1623001 do doanh nghiệp này phát hành vào ngày 21/12/2016, có giá trị 3.400 tỷ đồng cùng kỳ hạn là 7 năm. Đến tháng 12/2022, tổ chức phát hành đã tự mua lại trước hạn 1.000 tỷ đồng.

Nhóm các công ty liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland; HoSE: NVL) là nhóm có tổng dư nợ trái phiếu đến hạn lớn nhất, với tổng dư nợ lên đến 3.780 tỷ đồng. Có thể kể đến như Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang (1.480 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (1.100 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân với 2 lô trái phiếu tổng giá trị 700 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tuần đầu tiên của tháng 12, sẽ có gần 800 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn. Trong đó, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt sẽ đến kỳ đáo hạn với lô trái phiếu PDRH2123008 có giá trị 300 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội sẽ đến kỳ đáo hạn với lô trái phiếu SHN.H.20.23.001, có giá trị 200 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư LDG sẽ đến kỳ đáo hạn với lô trái phiếu LDBH2123002, có giá trị 186,4 tỷ đồng...

Liên quan vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản hiện nay và chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp tổ chức phát hành còn yếu, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ. Theo đó, quý IV được xem là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm nay, với gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây" các doanh nghiệp địa ốc. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. 

Cùng với đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, trước áp lực đáo hạn trái phiếu, để có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, đàm phán kéo dài thời gian là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp bất động sản.

tphieu-2-1702259974.jpg

Áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn bủa vây các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: VA.

Biện pháp “thoát” khó khăn

Liên quan đến thị trường trái phiếu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1177/CĐ-TTg vào ngày 23/11, với mục tiêu tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, với sự chú trọng đến hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững.

Theo công điện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Do đó, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.

Để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, ông Đính cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ; phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ; hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là "khoảng lặng” giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, rà soát lại để từ đó có định hướng tham gia thị trường bền vững, hiệu quả hơn.

Về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, phù hợp với xu hướng phân bổ tài sản vào trái phiếu của nhà đầu tư. Để tiếp thêm dư địa cho thị trường này, các doanh nghiệp cần gia tăng niềm tin cho khách hàng. Đây cũng là mắt xích quan trọng nhất để doanh nghiệp tái cơ cấu nợ.

VI ANH