Dù chỉ số VN-Index tiếp tục lình xình nhưng thị trường đã có tâm điểm cổ phiếu ngành dược. Hàng loạt cổ phiếu ngành dược phẩm, y tế đã tăng trần ngay từ đầu phiên như IMP- Công ty Cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM tăng trần lên 93.000 đồng/cp, DHT-Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây tăng trần lên 72.700 đồng/cp. Hàng loạt cổ phiếu khác trong ngành dược cũng tiếp tục tăng trần như DVN -Tổng Công ty Dược Việt Nam, DHG-Công ty Dược Hậu Giang, DBD-Công ty Cổ phần Dược -Trang thiết bị Y tế Bình Định, DBT-Công ty Cổ phần Dược Bến Tre, DCL-Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, JVC-Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật...
Với đà tăng mạnh trong thời gian qua, hiện IMP và DHT đang lần lượt xếp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 về vốn hóa ngành dược trên sàn chứng khoán. Vốn hóa của IMP cũng đã tiệm cận vị trí thứ hai sau DVN. DHT đã tăng 160% kể từ giữa tháng 4 cho đến nay, đạt mức giá 72.700.000 đồng/cp. Cổ phiếu IMP cũng đã tăng đến hơn 50% lên mức giá 93.000 đồng/cp. Đây cũng là mức đỉnh mới của cả hai cổ phiếu này trong lịch sử niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Theo các chuyên gia Agriseco, hiện DHT đang triển khai dự án Nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư là 1.350 tỷ đồng. Nhà máy đạt chuẩn EU – GMP, sản xuất thuốc tân dược (thuốc tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường) với công suất 2 tỷ sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động một phần từ năm 2024.
DHT được kỳ vọng là "gà đẻ trứng vàng" mới cho công ty dược phẩm 60 năm tuổi. Theo ban lãnh đạo, nhà máy khi vận hành toàn bộ có thể đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho DHT, tăng khoảng 50% so với trước đó. Với nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP, Dược Hà Tây có thể tập trung vào nhóm thuốc tân dược và đẩy mạnh doanh thu từ kênh ETC còn nhiều tiềm năng...
Đánh giá về cổ phiếu IMP, Chứng khoán ACBS cho biết, công ty này đang lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy mới IMP5, tập trung vào các loại thuốc dành cho các bệnh phức tạp hơn (tim mạch, tiểu đường), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027. Nhà máy IMP1 chiếm tỷ trọng đóng góp doanh thu lớn nhất trong quý 1/2024 là 42%, tiếp theo là IMP3 là 35%, IMP2 là 14% và IMP4 là 5%). Sản phẩm chủ đạo của các nhà máy này là kháng sinh với nhiều dạng bào chế.
Nhà máy IMP4 đạt tiêu chuẩn EU-GMP vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động vào quý 3/2023, dự kiến sẽ tăng tốc để đạt công suất tối đa vào cuối năm nay. Theo ACBS, IMP hiện sở hữu 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, nhiều nhất trong số các công ty dược Việt Nam. Việc đầu tư cho các dây chuyền chuẩn EU-GMP tạo điều kiện cho doanh nghịêp đấu thầu vào các bệnh viện.
Có thể thấy khi đầu tư vào cổ phiếu DHT và IMP nói riêng và toàn ngành dược phẩm nói chung, nhà đầu tư sẽ thu được lợi kép trong năm 2024, đặc biệt là về triển vọng dài hạn của ngành.
Theo các chuyên gia, hiện tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2027. Sau giai đoạn biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024. Tuy nhiên, các khu vực trên thế giới đang phát triển theo các xu hướng khác nhau.
Tại Mỹ, quy mô thị trường dược phẩm tại đây gần như đi ngang với dự báo tăng trưởng kép chỉ từ -1% - 2%, do tác động của việc hết hạn bằng sáng chế dẫn đến sự cạnh tranh giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc tương đương sinh học.Trong khi đó, các quốc gia tại khu vực đang phát triển như Nam Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương,Trung Đông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, bởi xu hướng già hóa dân số và sự chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc đắt tiền khi thu nhập tăng lên.
Trong bối cảnh chung đó, các chuyên gia cho rằng vẫn có hai yếu tố chính giúp ngành dược Việt Nam duy trì tăng trưởng kép 8% trong dài hạn. Đó là xu hướng nhân khẩu học tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phẩm. Đối với người cao tuổi, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động. Đây chính là cơ hội cho nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới…
HÀ PHƯƠNG