Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng khẳng định so với cùng kỳ của năm ngoái thì năm nay tính sôi động của thị trường trái phiếu đã giảm trên 90%.
Theo ông Quỳnh, sau giai đoạn thị trường có những biến động, việc các tổ chức phát hành có lãnh đạo bị bắt để điều tra hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra tâm lý thị trường. Tuy nhiên đến nay, sau một thời gian, nhà đầu tư đã định hình lại các thông tin, nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn, không còn tình trạng đổ xô đi bán trái phiếu bằng mọi giá. Đây là tín hiệu tích cực bước đầu và cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hoạt động chân chính có cơ hội để từng bước phục hồi và đảm bảo được năng lực trả nợ cho nhà đầu tư.
Đánh giá thêm, ông Quỳnh cũng cho hay hầu hết tại các quốc gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phải dành cho các nhà đầu tư không chuyên.
“Nói như vậy không phải là với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không có rủi ro. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ ý thức được và họ hiểu được và họ chấp nhận rủi ro khi họ lựa chọn những sản phẩm đầu tư và phương án hay là phương thức đầu tư như vậy. Nhìn chung là chúng ta đều cần phải liên tục học hỏi, nâng cao kiến thức của mình và nếu nhà đầu tư hiểu thì mới tham gia”, ông nêu.
Theo đánh giá của ông Quỳnh, không chỉ tại Việt Nam, tất cả các nước ở trên thế giới luôn có những nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư phù hợp với hiểu biết, khẩu vị rủi ro của họ.
“Hiện nay, riêng lượng tiền gửi dân cư nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại, kể cả sau các biến cố vẫn đâu đó phải trên 5 triệu tỷ đồng. Vấn đề ở đây là với thị trường trái phiếu nói riêng và các cái loại hình tài sản tài chính khác nói chung, để mà hút được dòng tiền của nhà đầu tư thì chúng ta cần phải có những điều chỉnh về mặt chính sách về nhận thức và hành vi của các đối tượng tham gia thị trường”, ông Quỳnh cho biết thêm.
MINH TRÍ