Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Hiện tại, vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 40.220 tỷ đồng, đứng thứ ba toàn ngành sau VietinBank (48.058 tỷ) và VPBank (44.455 tỷ đồng).
Lãnh đạo BIDV cho hay, với số vốn điều lệ tăng thêm, BIDV dự kiến dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Ngoài ra, BIDV cũng sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh; mở rộng kênh phân phối hiện đại và nâng cao chất lượng kênh phân phối truyền thông trong nước, khu vực và thế giới.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu tại BIDV được phân bổ như sau, cổ đông Nhà nước hiện đang sở hữu 80,99% vốn của BIDV, tương đương gần 3,26 tỷ cổ phần. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Keb Hana Bank sở hữu hơn 603 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ BIDV.
Sau khi phát hành thành công, BIDV dự kiến chia cổ tức cho cổ đông là 25,77%.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tương đương tăng 20,6%). Trong đó, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới (tỷ lệ 8,5%) theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
MINH TRÍ