Điểm mặt chiêu trò phổ biến của "cò" đất khiến khách hàng mất tiền oan

Admin

Điểm mặt những chiêu trò phổ biến của "cò" nhà đất để kiếm lời bất chính, khiến khách hàng mất tiền oan.

Bán nhà bất tuân pháp luật

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Quang Huy, một môi giới tại Hoài Đức chia sẻ, không chỉ người "ngoại đạo" gọi môi giới là "cò" mà chính những môi giới cũng sử dụng từ "cò". Dân trong nghề gọi "cò" để chỉ những môi giới tự phát, thiếu tổ chức và cứ có lợi là làm.

Môi giới đang bán dự án

Theo anh Huy, những "cò" này thường sử dụng chiêu trò để lừa khách, bán hàng, bất tuân pháp luật. Đơn cử như: Tư vấn khách mua đất trồng cây, đất lúa. "Cò" biết chắc chắn đất nông nghiệp, đất lúa không thể xin chuyển đổi sang đất thổ cư nhưng vẫn "gieo" vào khách hàng niềm tin chuyển đổi ở tương lai với những mối quan hệ thiếu xác thực.

Những khách hàng cả tin, thiếu hiểu biết nghe lời "cò", để rồi "tiền mất, tật mang"; bỏ đống tiền ra mà không có nhà để ở.

Hay trò dàn cảnh nhiều người tranh mua nhà, hòng đẩy giá bán lên cao. Họ thuê sẵn vài người giả làm người đi xem nhà và sẵn sàng đề xuất trả giá cao hơn. Nhiều người tranh mua sẽ khiến khách hàng thật cảm thấy căn nhà này đẹp, có cơ hội tăng giá và quyết mua mức giá đắt. Khi khách hàng biết mình bị lừa thì đã muộn, đành “cắn răng” chịu trận hoặc phải cắt lỗ.

Ngoài ra còn nhiều chiêu khác như: Một căn nhà lừa bán cùng lúc cho nhiều người, chuyển nhượng nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện...

Không phủ nhận vai trò của những người làm môi giới tự do, tuy nhiên Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, những môi giới tự do hầu hết không được trang bị kiến thức bài bản, cũng như kỹ năng hoạt động nghề. Đặc biệt, họ không hiểu luật, các nội dung liên quan quy hoạch hay thủ tục pháp lý cần có.

Và vì làm tự do nên những đối tượng này không chịu sự quản lý của ai, dễ phát sinh tiêu cực. Khu vực nào có thông tin quy hoạch, mở rộng, môi giới tự do hay phối hợp nhau đẩy giá, làm nhiễu thông tin. Người mua dễ rơi vào ma trận.

Đồng quan điểm, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, đội ngũ môi giới bất động sản hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản trong lĩnh vực này còn thấp, nặng tính "chụp giật", kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Mặt khác, do một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động môi giới hiện nay còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân môi giới có cơ hội "lách luật" trốn thuế.

Cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng dự thảo chỉnh sửa một số nội dung trong chính sách về kinh doanh môi giới bất động sản. Theo đó bổ sung quy định, các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới...; phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.

Bộ này cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS trong nước sau khi thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức mình hoạt động và Cục quản lý nhà và thị trường BĐS để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.

Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề môi giới tại Việt Nam sau khi thành lập doanh nghiệp, văn phòng... cần phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Cục quản lý nhà thị trường bất động sản để được đăng tải thông tin trên Cổng thông tin của Cục quản lý nhà...

Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định như trên là cần thiết nhằm xử lý những tồn tại, bất cập của các quy định cụ thể của Luật hiện hành, bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan...

Dự thảo này của Bộ Xây dựng được các chuyên gia bất động sản đánh giá cao. Họ tin tưởng rằng, sau khi sửa đổi, bổ sung các quy định như trên sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, phát huy được hết vai trò, chức năng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ môi giới.

Nam Việt