Trần Dương

Bamboo Capital, doanh nghiệp đứng sau chủ đầu tư dự án King Crown Infinity là ai và đang kinh doanh như thế nào?

Ngày 23/11/2020, giới địa ốc Sài Thành xôn xao trước thông tin động thổ Khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp King Crown Infinity (tọa lạc tại đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức). Đứng sau Gia Khang – chủ đầu tư dự án King Crown Infinity (Thủ Đức, TP.HCM) là Bamboo Capital, một doanh nghiệp niêm yết giàu tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.

Được biết, dự án có tổng diện tích 12.652 m2, gồm 2 tòa nhà cao 30 tầng là khu phức hợp cao cấp được kết hợp giữa trung tâm thương mại, phố đi bộ trong nhà và khu căn hộ. Hiện dự án này đã có giấy phép chấp thuận chủ trương đầu tư và đang được nhiều sàn môi giới bất động sản chào bán cho khách hàng dù dự án chưa được xây dựng. Theo các sàn môi giới đang bán dự án này, giá bán căn hộ King Crown Infinity được tham khảo là khoảng 4.000 USD/m2, tương đương 80 - 90 triệu/m2 – mức giá đỉnh mới chưa từng có với các dự án căn hộ trong cùng khu vực quận Thủ Đức và hiện bằng mức giá quận 1 và khu Thủ Thiêm.

Dự án King Crown Infinity chào bán với mức giá 4.000 USD/m2 gây sốc với thị trường trong năm 2020.

Được biết khu đất này trước đây là nghĩa địa nhỏ, hiện vẫn còn một miếu thờ nhỏ trong khu đất này.

Ngày 3/11/2020, phóng viên có văn bản gửi UBND quận Thủ Đức về pháp lý của dự án này như giấy pháp xây dựng được cấp phép hay chưa, thủ tục huy động vốn theo diện dự án hình thành trong tương lại hay chưa? Sau đó ngày 5/11/2020 ông Trương Trung Kiên, chủ tịch UBND quận Thủ Đức có văn bản gửi Tạp chí Nhà đầu tư cho biết những câu hỏi mà phóng hỏi liên quan tới dự án King Crown Infinity đã được lãnh đạo quận chuyển tới các phòng, ban liên quan để sớm có câu trả lời nhưng tới nay đã gần 1 tháng mà chúng tôi vẫn chưa phận được phản hồi từ phía UBND quận Thủ Đức.

Chủ đầu tư dự án này là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang, công ty phát triển dự án là CTCP BCG Land, đơn vị xây dựng là Liên doanh tổng thầu CTCP Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp và Vận Tải (Tracodi) và Tổng công ty xây dựng Số 1 - CTCP.

Đáng chú ý là 3/4 doanh nghiệp kể trên đều là các đơn vị liên hệ hoặc liên quan tới CTCP Bamboo Capital (HOSE: BCG).

Công ty phát triển dự án - BCG Land, vốn là công ty con do Bamboo Capital nắm 99,52% vốn. Tương tự, Tracodi cũng là doanh nghiệp do Bamboo Capital sở hữu 52,84% vốn.

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án – Gia Khang, được thành lập vào ngày 14/4/2016, với vốn điều lệ ban đầu là 100 triệu đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Khánh Duy (65%) và Phan Tấn Phúc (35%).

Sau đó, Gia Khang tăng vốn điều lệ lên 370 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Dù vậy, BCG Land tính đến tháng 6/2020 đang nắm 18,13 triệu cổ phần Gia Khang, tương đương tỷ lệ 49%. Dĩ nhiên, tỷ lệ sở hữu thực của nhóm BCG nhiều khả năng còn lớn hơn thế, nhất là khi vị trí Chủ tịch HĐQT Gia Khang do bà bà Lê Thị Mai Loan (SN 1982) – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT thứ 2 tại Tracodi, nắm.

Mặt khác, nếu quan sát từ giữa năm 2020, không khó để nhận ra HĐQT Bamboo Capital đã thể hiện tham vọng rất lớn tại dự án này. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên của Bamboo Capital diễn ra sáng ngày 27/6/2020 đã hé lộ kế hoạch 4 dự án mới thuộc lĩnh vực bất động sản. Trong đó, có dự án King Crown Infinity là chung cư cao cấp tại Thủ Đức quy mô diện tích đất 12.652 m2, 30 tầng cao và 5 tầng hầm, tổng mức đầu tư dự kiến 4.717 tỷ đồng.

Tiềm lực của Bamboo Capital

Bamboo Capital tiền thân là CTCP Thủ Phủ Tre, thành lập ngày 7/11/2011. Trải qua gần 1 thập niên hình thành và phát triển, vốn điều lệ doanh nghiệp (tính đến ngày 30/9/2020) là hơn 1.360 tỷ đồng, hoạt động trong 4 lĩnh vực gồm: Sản xuất & nông nghiệp, phát triển hạ tầng & bất động sản, xây dựng & thương mại, năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital, tổ chức đứng sau chủ đầu tư dự án King Crown Infinity.

Trong đó, đáng chú ý là mảng kinh doanh bất động sản. Dù mới gia nhập từ năm 2018, Bamboo Capital đã gây ấn tượng với giới địa ốc khi sở hữu 1 loạt các dự án có quy mô lớn, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Malibu Hội An (Quảng Nam), khu nghỉ dưỡng Casa Marina (Bình Định), tổ hợp villa ven sông King Crown Village (Thảo Điền, TP.HCM),….

Mặt khác, sẽ là thiếu sót khi không đề cập một loạt dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Long An như: Dự án RedSun tại tỉnh Long An (công suất 50 MW – diện tích 126 ha), Nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 (40 MW – 50,2 ha), Nhà máy điện mặt trời BCG – CME Long An 2 (100 MW – 125 ha),…. Ngoài ra, còn phải kể đến Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ (330 MW, Bình Định).

Theo BCTC quý III/2020, luỹ kế doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 của Bamboo Capital đạt 1.688 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, giảm 19,5%.

So với kế hoạch kinh doanh cả năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành được 88% chỉ tiêu về doanh thu, nhưng chỉ mới hoàn thành được 56% chỉ tiêu về lợi nhuận.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Bamboo Capital đến hết quý III/2020 đạt 16.230 tỷ đồng, tăng tới 2,2 lần so với số đầu năm. Trong đó, chiếm đến 66,7% là các khoản phải thu ngắn/dài hạn (hơn 10.832 tỷ đồng)

Tính toán cho thấy trong 3 quý đầu năm 2020, khoản phải thu về mặt giá trị tuyệt đối đã tăng hơn 5.011 tỷ đồng.

Tài sản có tính thanh khoản cao nhất – tiền và tương đương tiền, của doanh nghiệp đạt khoảng 742 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với số đầu năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu tính đến ngày 30/9/2020 tăng gần 39,6% lên 2.268 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp cho số tăng này đến từ việc phát hành 28 triệu cổ phiếu riêng lẻ để thực hiện chuyển đổi trái phiếu riêng lẻ thành cổ phiếu cho nhà đầu tư (tăng 280 tỷ lên 1.360 tỷ đồng).

Đặc biệt, không thể không nhắc đến lợi ích cổ đông không kiểm soát (825 tỷ) trong 9 tháng đã tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, trong đó chiếm chủ yếu số tăng này đến từ việc hợp nhất công ty con trong kỳ báo cáo (gần 385 tỷ đồng).

9 tháng đầu năm 2020, Bamboo Capital chi hơn 3.096 tỷ chi đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp, gấp gần 3 lần số đầu kỳ. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng thu về hơn 2.045 tỷ đồng tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Về tình hình vốn vay, tổng nợ phải trả đến cuối kỳ BCTC quý III/2020 đã tăng tới 2,5 lần lên 13.961 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vào cuối kỳ là hơn 6 lần.

Trong đó, nợ dài hạn (8.611 tỷ) tăng gấp 3,43 lần, chủ yếu đến từ phải trả dài hạn khác (5.318 tỷ). Riêng vay và nợ thuê tài chính của Bamboo Capital là 2.987 tỷ đồng, chiếm hơn 1/5 tổng nợ phải trả. Hai trong số các chủ nợ lớn của Bamboo Capital là TPBank và VPBank.