Trần Dương

Anh hạn chế thủy sản Nga, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tăng vọt 2 tháng đầu năm

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Anh tăng vọt trong 2 tháng đầu năm. Đặc biệt, các siêu thị bán lẻ tại Anh đang hạn chế một số sản phẩm cá đông lạnh của Nga nên trong thời gian tới có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam gia tăng thị phần.

Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 44 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021

Theo thống kê của Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 44 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó riêng mặt hàng tôm chiếm 76% với 33,5 triệu USD, tăng 55%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu tôm chân trắng sang Anh tăng vọt với 30,4 triệu USD, tăng 54%; xuất khẩu cá tra đạt 7,2 triệu USD, tăng nhẹ 4%.

VASEP cho rằng, đây là thành tích khá ấn tượng sau khi xuất khẩu thủy sản sang Anh năm 2021 giảm mạnh. Dự báo những tháng tới, xuất khẩu thủy sản sang Anh vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2 con số.

Nói về việc vì sao xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng mạnh, đại diện VASEP cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2020 với những ưu đãi về thuế quan cũng đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam so với các đối thủ khác. Từ năm 2022, hàng loạt doanh nghiệp Việt cũng đổ bộ sang thị trường này. Hiện có 47 doanh nghiệp Việt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Anh, trong đó 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất gồm Công ty CP thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh, Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, và Công ty CP Vĩnh Hoàn đang chiếm gần 30% doanh số xuất khẩu sang Anh.

Theo VASEP, hiện nay do chiến tranh Nga và Ukraine, hệ thống bán lẻ tại Anh có động thái hạn chế sản phẩm thủy sản từ Nga. Đây có thể đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, bởi Việt Nam là nước cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 6 tại Anh, chiếm 6% thị phần trong năm 2021.

Cái khó hiện nay của các doanh nghiệp thủy sản vẫn là chi phí logistics. Cụ thể, chi phí logistics vốn đã ở mức cao từ năm 2020 thì nay chiến sự Nga - Ukraine lại góp phần làm gia tăng chi phí logistics thêm vì căng thẳng nguyên liệu. Thêm vào đó, chiến tranh Nga - Ukraine cũng khiến cho việc đặt container để xuất hàng ngày càng khó khăn. Những yếu tố này đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sang các thị trường nói chung và sang Anh nói riêng.

Tường Lam