Cụ thể, Vefac vẫn có doanh thu tài chính lớn là 123 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay, đầu tư. Con số này cao hơn 23% so với lãi tài chính cùng kỳ năm ngoái và là mức thu lớn nhất đạt được trong một quý.
Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 494 triệu đồng, giảm 80% do không có nguồn thu từ hội chợ và triển lãm và hoạt động kinh doanh bất động sản. Nhờ tiền lãi cho vay gần 239 tỷ đồng giúp công ty có lãi sau thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Năm nay, Vefac đặt kế hoạch doanh thu là 10 tỷ và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Kết quả nửa đầu năm đã đạt hơn 70% chỉ tiêu lợi nhuận năm nhưng còn cách xa mục tiêu doanh thu.
Vào ngày 15/6/2020, Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ nắm giữ 83,32% vốn Vefac, ứng trước 4.900 tỷ đồng cho công ty nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Số tiền lớn này được Vefac mang gửi ngân hàng và cho vay lại.
Tính đến cuối quý II, doanh nghiệp có 51 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, hơn 757 tỷ đồng là các khoản tương đương tiền hưởng lãi suất 7-8%/năm, gần 1.642 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng với lãi suất 7-8%/năm.
Đáng kể nhất là doanh nghiệp có một khoản phải thu cho vay đối tác 3.496 tỷ đồng, đây là khoản cho các đối tác khác vay với lãi suất 9%/năm và được đảm bảo.
Tại cuối tháng 6, Vefac có ghi nhận giá trị hàng tồn kho 939 tỷ đồng, là các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngoài ra, công ty có 1.575 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở các dự án Tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa tại Ba Đình, dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, Khu đô thị mới Đông Anh và Khu chức năng đô thị đại lộ Thăng Long.
MINH TRÍ