Trần Dương

TP. HCM phải xong tuyến đường vành đai 2 trong năm 2022 và vành đai 3 phải hoàn thành trong năm 2025

Theo báo Chính phủ, hôm 14/5 tại buổi làm việc với các bộ ngành, địa phương về dự án đường vành đai 3, 4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP HCM phải hoàn thành tuyến đường vành đai 2 trong năm 2022, tuyến đường vành đai 3 phải xong trước 2025 và vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, không kéo dài đến 2030.

Theo đó, dự án vành đai 2 dài 64 km, chạy qua 8 quận huyện, quy hoạch cách đây 14 năm hiện mới xong 50 km.

Tuyến đường vành đai 3 dài 89 km (đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Đến nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến.

Dự án vành đai 2 dài 64 km, chạy qua 8 quận huyện, quy hoạch cách đây 14 năm hiện mới xong 50 km.

Đường vành đai 4 có chiều dài hơn 197 km (đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe mới đưa vào khai thác 11 km, đoạn qua Khu CN VSIP IIA và Khu CN Mỹ Phước 3.

Về phần giải phóng mặt bằng, tại buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo tinh thần của Chính phủ, dự án qua địa phương nào, địa phương đó được giao là cơ quan thẩm quyền thực hiện dự án, từ giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP HCM phải hoàn thành tuyến đường vành đai 2 trong năm 2022.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc chậm triển khai các dự án giao thông tại khu vực, trong đó có các dự án đường vành đai 3, 4 thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TP HCM và các địa phương trong vùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương cần hết sức chủ động lựa chọn hình thức triển khai cũng như dự án nào sử dụng ngân sách. Do đó các địa phương cần chủ động triển khai dự án.

Một thông tin tích cực cho TP. HCM là trong buổi làm việc hôm 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho chủ trương đồng ý tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM lên 23%.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định TP HCM vẫn là "đầu tàu" của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP vào tổng ngân sách. Việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố.

Chính phủ phối hợp TP HCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, TP HCM cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Ngoài sự ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025, Thủ tướng còn yêu cầu thành phố đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố cần định hướng phát triển TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, chú trọng đổi mới kinh tế số để đảm bảo đóng góp 25% GDP như mục tiêu đề ra.

MINH TRÍ