Trần Dương

Top 10 người giàu nhất TTCK năm 2020 có hơn 80% đến từ ngân hàng và bất động sản, Chủ tịch Phát Đạt trở lại top 10 ấn tượng với tổng tài sản tăng trưởng 138%

Với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, tiêu chí top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán đã thay đổi một cách chóng mặt. Nhìn lại thống kê, năm 2017 nếu tổng tài sản đạt 5.000 tỷ đồng thì chắc chắn lọt vào top 10. Chỉ 3 năm sau, năm 2020, muốn vào top 10 thì tổng tài sản phải hơn 10.000 tỷ đồng. Thậm chí, có một nhân vật đạt hơn 10.000 tỷ đồng là bà Vũ Thị Hiền, phu nhân của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đạt 10.100 tỷ đồng vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 11.

Do đạt được thành công ấn tượng từ việc triển khai các dự án trong năm 2019 khiến giá cổ phiếu tăng đột biến trong năm 2020 sau khi ghi nhận doanh thu, Chủ tịch Tập đoàn Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Đạt quay lại top 10 một cách ấn tượng. Theo đó, mức tăng trưởng tài của ông Đạt tăng 138% từ 4.900 tỷ đồng lên đến 11.700 tỷ đồng, qua đó thay thế chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết trong Top10 đứng ở vị trí thứ 8. Ông Đạt được ghi nhận là nhân vật có tổng tài sản tăng nhanh nhất trong năm 2020.

Chủ tịch Tập đoàn Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Đạt quay lại top 10 một cách ấn tượng.

Tổng tài sản của Top 10 năm nay đạt gần 380.000 tỷ đồng, chỉ tăng 20.000 tỷ so với năm trước. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do tài sản của một số doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo và Trịnh Văn Quyết sụt giảm.

Tuy vậy, rất nhiều người chứng kiến khối tài sản của mình tăng trưởng phi mã, có thể kể đến như các lãnh đạo chủ chốt của Hòa Phát, Bất động sản Phát Đạt, VPBank, Techcombank/Masan, VIB… Thống kê của chúng tôi cho thấy có gần 90 người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tăng gấp rưỡi so với một năm trước.

Ngoại trừ một số xáo trộn về thứ hạng, nhìn chung Top10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vẫn là những gương mặt xưa cũ. Trong đó, 5 vị trí dẫn đầu đều là những người có tên trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes, gồm chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Top 10 người giàu nhất TTCK năm 2020 có hơn 80% đến từ ngân hàng và bất động sản.

Mặc dù giá trị lượng cổ phiếu nắm giữ giảm hơn 7.000 tỷ xuống còn hơn 207.000 tỷ đồng thì khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tương đương với 14 người tiếp theo cộng lại. Khối tài sản này bao gồm cổ phần Vingroup sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, công ty do ông Vượng nắm quyền kiểm soát và sở hữu 92,88% cổ phần.

Khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tương đương với 14 người tiếp theo cộng lại đạt mức 207.000 tỷ đồng.

Khối tài sản của bộ đôi doanh nhân Nguyễn Đăng Quang vị trí thứ 4, ông Hồ Hùng Anh vị trí thứ 5 tăng gần 60% lên 23.000 tỷ đồng sau khi sụt giảm sâu trong năm 2019. Masan Group đã có một năm có quá nhiều sự kiện với việc tiếp quản hệ thống siêu thị Vinmart/Vinmart+ từ Vingroup cũng như một số thương vụ liên quan đến bột giặt NET, 3F Viet và Masan Resources.

Với việc tài sản tăng 118% lên hơn 35.800 tỷ đồng, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã vươn lên vị trí thứ 2, tăng 3 bậc so với năm trước. Hòa Phát là một trong những cổ phiếu bluechip "nóng" nhất trong năm với việc cả 2 mảng kinh doanh lớn là thép và nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng. Vợ ông Long, bà Nguyễn Thị Hiền cũng lên vị trí thứ 11 với hơn 10.000 tỷ đồng và hoàn toàn có thể "cạnh tranh" một vị trí trong Top10.

Với việc tài sản tăng 118% lên hơn 35.800 tỷ đồng, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã vươn lên vị trí thứ 2.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vị trí thứ 3 tiếp tục là người phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản 26.700 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước do Vietjet và ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Hai gương mặt nữ khác được nhắc tên là Phó Chủ tịch của Vingroup là bà Phạm Thu Hương vị trí thứ 6, vợ ông Vượng và bà Phạm Thúy Hằng, một nữ Phó chủ tịch khác của Vingroup.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vị trí thứ 3 tiếp tục là người phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản 26.700 tỷ đồng.

Như vậy, phần lớn danh sách những người giàu trong top 10 thuộc về lĩnh vực tài chính – ngân hàng và bất động sản. Chỉ có ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Massan Group là không liên quan trực tiếp đến hai ngành này.