Trần Dương

Thu hồi đất sát giá thị trường

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2023, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.

thuhoi-1-1717025617.jpeg

Giá thu hồi đất sẽ sát giá thị trường. Ảnh: LV

Cụ thể, phát biểu nội dung liên quan đến Luật đất đai và vấn đề thu hồi đất, Phó Thủ tướng cho biết, phản ánh từ các đại biểu cho thấy chiếm đến 60% những hạn chế tồn tại yếu kém, đùn đẩy, sợ trách nhiệm liên quan đến thủ tục hành chính và đều liên quan đến 3 bộ luật, đó là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua.

Hiện nay, Chính phủ đặt quyết tâm rất cao với tinh thần làm việc tập thể và tinh thần chung như vậy đã giải quyết được về cơ bản tồn tại của 3 luật này.

Thời gian qua, Phó Thủ tướng cũng đã dành thời gian ngồi làm việc với tất cả 63 tỉnh, thành thông qua trực tuyến với tất cả các hiệp hội và từng doanh nghiệp ở các địa phương để xem các dự thảo luật đã được đi vào cuộc sống chưa, đã phản ánh đầy đủ và triển khai được cụ thể luật hay chưa?

Liên quan đến định giá đất, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các địa phương sẽ tin tưởng rõ ràng, cụ thể, minh bạch và có thể triển khai được. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng đã lấy ý kiến của địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm cơ quan tư vấn, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, làm rõ trách nhiệm của người quyết định và tất cả mọi quy trình này đều triển khai một cách minh bạch và đặc biệt là trong luật đã giải quyết một vấn đề hết sức khó khăn, đó là giá đất phù hợp, sát giá thị trường.

Thực tế, theo quy định hiện hành, Luật Đất đai 2013 quy định khung giá đất là mức giá (cao nhất hoặc thấp nhất) với từng loại đất cụ thể và việc xác định khung giá đất được ban hành định kỳ với kỳ hạn 5 năm. Theo đó, việc xây dựng khung giá đất nhằm quản lý giá đất trên thị trường, giúp cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế kiểm soát bảng giá đất của các địa phương cũng như xác định các khoản nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, khung giá đất vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ mục đích đã được đặt ra ban đầu, thậm chí tạo "cơ chế 2 giá", gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai các dự án có sử dụng đất. Đáng nói, một hệ quả phát sinh thường xuyên của khung giá đất là làm kéo dài tiến độ các dự án do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Từ những bất cập nêu trên, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể bỏ khung giá đất, và hiện thực hóa tại Luật Đất đai 2024. Với việc bỏ khung giá đất, việc định giá ở các địa phương sẽ linh hoạt hơn, theo kịp diễn biến thị trường, tránh được thất thoát tài sản nhà nước và thiệt hại cho người sử dụng đất do định giá thấp gây ra. Song, quản lý giá đất thuộc loại quan trọng và phức tạp nhất. Các bất cập trong quản lý đất đai hiện nay cũng sinh ra từ quản lý giá đất không đảm bảo tính phù hợp thị trường.

Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã hợp nhất nội dung của 02 Nghị định trước đây là “Nghị định 76/2014/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất” và “Nghị định 77/2014/NĐ-CP quy định về tiền thuê đất” thành 01 nghị định.Góp ý dự thảo Nghị định, HoREA đề xuất bổ sung đơn giá đất tính theo đơn vị mét vuông (m2) để tính tiền sử dụng đất vào tiêu đề và khoản 2 Điều 5 “dự thảo Nghị định. Đồng thời xác định rõ cách tính tổng diện tích sàn sử dụng đối với trường hợp nhà có nhiều tầng gắn liền với đất được Nhà nước giao trực tiếp cho nhiều đối tượng sử dụng, điển hình là nhà chung cư để tính tiền sử dụng đất vào công thức tại điểm a khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị định.

thuhoi-2-1717025539.jpg

Định giá đất là vấn đề đặc biệt được quan tâm. Ảnh: DH

Bên cạnh đó, HoREA đề nghị chọn và có sửa đổi bổ sung Phương án 2 tại tiết a1 điểm a khoản 1 Điều 14 dự thảo Nghị định quy định: Trường hợp trước khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án, người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ về tiền sử dụng đất theo quy định.

HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định về khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là kinh phí mà người thực hiện dự án tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc kinh phí mà người thực hiện dự án đã bỏ ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đối với trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai.

Và đề nghị bổ sung quy định không thu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư đối với người tái định cư đã được giao đất ở tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

DỊU HOA