Theo đó, trường thông báo mở cửa trở lại vào hôm 19/3, song cho biết "vẫn sẽ có sự gián đoạn không tránh khỏi".
Bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng AISVN, cho biết sau khi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng, trường buộc phải mở trở lại. Nếu đóng cửa, trường sẽ đối diện một số hình phạt.
Được biết, câu chuyện tại AISVN không phải mới xảy ra lần đầu. Cách đây 6 tháng, sự việc bắt đầu khi một số phụ huynh đến cổng, căng băng rôn yêu cầu Chủ tịch HĐQT trường là bà Nguyễn Thị Út Em phải trả nợ. Vấn đề này xuất phát từ việc phụ huynh và nhà trường cùng ký hợp đồng vay vốn.
Phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… AISVN sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.
Thế nhưng đến hạn trả tiền, trường vẫn không hoàn trả khiến nhiều phụ huynh tập trung tại cổng đòi nợ. Số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.
Phía AISVN lúc đó thừa nhận “Khoản nợ học phí”, thực chất là số tiền đầu tư giáo dục nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua Hợp đồng đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5 - 15 năm học sinh theo học tại trường.
Được biết, AISVN được thành lập theo Quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TP.HCM; được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD-ĐT.
Trường đóng trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM hiện có hơn 1.400 học sinh, hơn 200 giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng 300 nhân viên trong nước với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng đi cùng là cái giá phải trả cho việc học ở đây rất đắt đỏ.
Ngày 17/3 vừa qua, nhà trường đã tổ chức họp với phụ huynh để tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết tình hình khó khăn về tài chính dẫn đến việc không thể trả lương đầy đủ và đúng hạn cho giáo viên và nhân viên trường.
Hai bên đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau, trong đó, giải pháp vận động phụ huynh tiếp tục đóng thêm tiền để ủng hộ nhà trường AISVN gặp nhiều khó khăn và gần như không khả thi.
Câu hỏi đặt ra là tiền của AISVN đã đi đâu để rơi vào khó khăn tài chính? Bởi với mới mức học phí như hiện tại, doanh thu từ học phí của nhà trường tính trên số học sinh hiện tại sẽ lên tới hàng trăm đến nghìn tỷ/năm. Số tiền này đã được đóng trước hoặc đóng đúng hạn. Chưa kể, số tiền nhà trường ký hợp đồng với phụ huynh nhiều năm nay.
Trong đơn phụ huynh gửi cơ quan chức năng thông tin, hơn 90% gia đình đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở Trường AISVN dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư. Theo đó, số tiền ước tính lên đến 3.200 tỷ đồng.
Liên quan đến tình hình trên Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, phòng chuyên môn Sở GD-ĐT đã hướng dẫn và yêu cầu hiệu trưởng giám sát hoạt động chuyên môn, quản lý chặt chẽ chương trình dạy học, đồng thời động viên, hướng dẫn giáo viên thực hiện nhiệm vụ, quản lý sử dụng giáo viên người nước ngoài.
Cách đây 3 ngày, khi tiếp nhận thông tin Chủ tịch hội đồng trường cho tất cả học sinh nghỉ học, Sở GD-ĐT đã cử chuyên viên xuống làm việc với lãnh đạo nhà trường. Sở đã làm việc trực tiếp với chủ tịch hội đồng, hiệu trưởng để tìm phương án giải quyết nhưng chưa có sự hợp tác.
Về phía nhà trường bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường AISVN cho hay đang tính phương án để các quỹ đầu tư tham gia tái cấu trúc trường. "Tôi đang đàm phán với quỹ đầu tư, đối tác. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là tài chính, dòng tiền", bà Út Em cho biết.
AN NHIÊN