Trần Dương

Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có thể đưa vào sử dụng tạm thời trong dịp Tết Nguyên đán

Sáng 28-12-2020, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức kiểm tra, chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Xe chở các lãnh đạo và đại biểu thông tuyến sáng 28-12-2020

Điểm đầu tuyến từ nút giao Thân Cữu Nghĩa, huyện Châu Thành. Cuối tuyến là nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đến thời điểm này, các đơn vị đã thực hiện đúng cam kết thông tuyến trước ngày 31-12-2020.

Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11-2009. Sau 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng.

Đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau hơn một năm tái khởi động, dự án đã đạt 75% khối lượng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Với phương châm “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”, “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, doanh nghiệp Dự án đã lập tiến độ gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan đến dự án. Cán bộ, kỹ sư và công nhân thực hiện làm việc “xuyên đêm, xuyên tết, xuyên dịch” (3 xuyên).

Khi tiếp quản, doanh nghiệp điều hành đã loại bỏ nhà đầu tư và nhà thầu kém năng lực như Công ty Yên Khánh (bị xử lý hình sự), Công ty Hoàng An... từng thao túng, gây trở ngại chính cho dự án, thông qua công tác kiểm toán, thực hiện biện pháp quản chi trực tiếp (xử lý công nợ tồn, chi trả vật liệu... ).

Thời gian qua, Dự án tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vật liệu khi quãng đường vận chuyển dài hàng trăm km, các kênh rạch bị đóng do hạn, xâm nhập mặn ảnh hường đến tiến độ.

Chủ đầu tư họp, báo cáo tiến độ dự án trước giờ thông tuyến kỹ thuật.

Chủ đầu tư đã tổ chức thực hiện dự án đảm bảo mốc thông tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có thể phục vụ xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn với tốc độ 40 km/giờ nếu dịp tết Nguyên đán 2021 Quốc lộ 1A quá tải.

Tuy nhiên việc này cần được Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang… làm đầu mối tổ chức thực hiện. Doanh nghiệp dự án khẳng định sẽ phối hợp các bên và sẵn sàng bỏ ra kinh phí (không nằm trong điều kiện bắt buộc của hợp đồng Dự án đã ký với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) để đưa tuyến đường vào sử dụng tạm thời.

Trước đây tại các dự án khác, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động “mở cửa” giải quyết các tình huống khẩn cấp như mở đường để giải quyết ùn tắc giao thông do tai nạn, tạm thông tuyến cho phương tiện lưu thông xuyên qua hầm qua hầm Cổ Mã (tháng 12-2016) khi mưa lớn đã làm hàng trăm khối đất đá đổ xuống đường khiến giao thông tê liệt, hàng nghìn phương tiện ùn ứ nhiều giờ đồng hồ trên Đèo Cả. Chủ dự án cũng cho xe lưu thông tạm thời tại dự án Bắc Giang - Lạng Sơn khi có tai nạn xảy ra trên tuyến Quốc lộ 1A. Vào tháng 10-2020 mới đây, Tập đoàn Đèo Cả cũng cho mở tạm thời đường dẫn hầm Hải Vân 2 thông xe một chiều khi có tai nạn xảy ra trên đường dẫn ở hầm Hải Vân 1.

KIM ĐIỀN