Trần Dương

Thủ tướng: Ưu tiên đặc biệt để sản xuất vaccine

Admin

Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước phải theo tinh thần độc lập, tự lực, tự cường để không phụ thuộc mãi vào nguồn cung bên ngoài.

Chiều 23/7, chủ trì cuộc họp trực tuyến về sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm trên và khẳng định việc này "là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược vaccine".

Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược vaccine, gồm nhập khẩu, ngoại giao vaccine để có nhiều nhất, nhanh nhất; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; sản xuất vaccine trong nước; tiến hành tiêm chủng miễn phí toàn dân.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị ưu tiên đặc biệt cho việc sản xuất bằng được vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất. Tuy nhiên, ông lưu ý bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng người dân và các nguyên tắc, quy định về khoa học, thực tiễn, pháp lý. Bộ Y tế và Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn chỉnh nội dung, thủ tục cần thiết để trình Quốc hội xem xét, giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất vaccine trong nước.

Các cơ quan hỗ trợ tối đa các nhà sản xuất đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine. "Không thể khoán trắng cho các nhà sản xuất", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về sản xuất vaccine trong nước, chiều 23/7. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ Tài chính chủ trì quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế phối hợp với chuyên gia Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine. "Dành ưu tiên đặc biệt cho việc này", Thủ tướng yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa đầu mối chuyển giao công nghệ. Bộ Khoa học Công nghệ, Y tế hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Ông yêu cầu có hướng dẫn về chuyên môn để kết hợp hài hòa giữa đông y và tây y.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, với vaccine nhận chuyển giao công nghệ cần làm rõ việc đảm bảo nguồn nguyên liệu để sản xuất. Chất lượng, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 trong nước phải được các cơ quan, hội đồng chuyên môn đánh giá khách quan, minh bạch. "Từ đó, mới có cơ sở khoa học để quyết định cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp hay không", ông Đam nói.

Thủ tướng thăm việc sản xuất vaccine tại Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), tháng 6/2021. Ảnh: Nhật Bắc.

Hiện Việt Nam có hai vaccine Covid-19 đang được phát triển. Vaccine Nano Covax do Công ty Nanogen phát triển, dự kiến kết quả thử nghiệm giai đoạn ba sẽ hoàn thành trong nửa đầu tháng 8/2021.

Vaccine Covivax do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, dự kiến ngày 27/7 sẽ có kết quả đánh giá tính sinh miễn dịch; ba ngày sau nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang giai đoạn hai. Dự kiến vào tháng 9/2021 Covivac có thể được xem xét gối đầu giai đoạn ba, nhằm đẩy nhanh tiến độ.

VIẾT TUÂN