Trần Dương

Ông Nguyễn Đình Cung: Phải chi mạnh tay để cứu kinh tế

Admin

Cho rằng dư địa chính sách tốt hơn so với giai đoạn khủng hoảng trước, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm tại thời điểm này cần phải chi mạnh tay để phục hồi nền kinh tế.

Miễn giảm các khoản phí doanh nghiệp lỗ vẫn phải nộp

Quan điểm nêu trên được ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (1/10).

Ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: MPI

Ông Cung cho biết, do tác động của dịch bệnh, đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đặt ra.

Tăng trưởng năm nay cũng chỉ có thể đạt khoảng 3%, tức là để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 5 năm (2021-2025) thì 4 năm sắp tới tăng trưởng phải ở mức 7-7,5%. "Đây là một mục tiêu rất cao. Nếu chúng ta vẫn giữ mục tiêu thì nhất thiết phải tăng tốc ở những năm 2022-2023-2024", ông Cung nhận định.

Lý giải vì sao các nước phát triển phục hồi với tốc độ nhanh, ông Cung cho biết tăng trưởng GDP của họ có giảm nhưng thu nhập bình quân vẫn cao, cầu bùng nổ sau đại dịch. Còn ở Việt Nam lại khác. Ông Cung cho biết, chúng ta bị tổn thất rất nhiều do dịch bệnh, cầu giảm rất mạnh.

Năng lực phục hồi cả ở cung lẫn cầu yếu. Các doanh nghiệp gặp điểm nghẽn về nguồn lực khi cả trăm nghìn lao động về quê tránh dịch khó quay trở lại làm việc trong thời gian ngắn.

Nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn. Do vậy, theo ông Cung, nếu chúng ta không có chương trình phục hồi tăng trưởng với tốc độ được đẩy nhanh thì có nguy cơ về "viễn cảnh không tươi sáng".

Đề cập đến yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế là dư địa chính sách, ông Cung cho biết hiện nay có nhiều điều kiện đã tốt hơn nhiều so với đợt khủng khoảng hơn 10 năm trước như lạm phát thấp, cán cân đối ngoại tốt, dự trữ ngoại tệ cao…

Dư địa còn hay không theo ông Cung, còn do sự đánh giá của chính chúng ta. "Tại thời điểm này chúng ta phải chi mạnh vào, không là có tội", ông Cung nhấn mạnh. Ngoài về tiền tệ, vị chuyên gia cho rằng có thể tăng tín dụng…

Ông Cũng cho hay, Việt Nam xác định theo hướng sản xuất phải an toàn với dịch bệnh. An toàn sinh mệnh và sinh kế là 2 mặt của một vấn đề, chúng gắn liền với nhau. Song chúng ta không thể nhấn quá mạnh y tế mà quên sinh kế.

"Việc phục hồi phải diễn ra nhanh chóng, sử dụng nguồn lực đúng mục đích, hiệu quả, giải pháp khả thi, thực hiện được ngay, thậm chí có thể phi truyền thống. Nếu áp dụng hành chính như thời gian vừa rồi khó thực hiện", ông Cung góp ý.

Góp ý về chương trình phục hồi, ông Nguyễn Đình Cung đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm thứ nhất là tăng cường năng lực kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế.

Trong nhóm này tập trung vào tìm kiếm cung ứng đủ vắc xin; việc ban hành quy định kiểm soát dịch bệnh để mở lại nền kinh tế do Thủ tướng hoặc Chính phủ ban hành; đồng thời tăng cường năng lực hệ thống y tế.

Nhóm thứ hai theo ông Cung, đó là nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua đại dịch. Trong đó có hỗ trợ tín dụng, giảm chi phí (đặc biệt những khoản phí mà doanh nghiệp lỗ cũng phải nộp) trong 2 năm liên tiếp, giảm tiền điện, hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho một số ngành bị tê liệt như du lịch, hàng không, miễn phí công đoàn 3 năm liền…

Nhóm thứ ba ông Nguyễn Đình Cung cho biết đó nhóm giải pháp kích thích đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Nhóm 4 là hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Nhóm 5 là cải cách môi trường kinh doanh đầu tư, kiên trì tháo bỏ rào cản…

Triển khai nhanh, hiệu quả

Tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nền kinh tế đang hết sức khó khăn với mức tăng trưởng âm trên 6% trong quý III. Nếu không có chương trình tổng thể phục hồi thì có thể sẽ không đạt được kế hoạch 5 năm ngay từ năm nay.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, ông Lực cho biết nhiều nước tung ra gói hỗ trợ chưa từng có. Bình quân thế giới là 16% GDP, các nước đang phát triển khoảng 7% GDP. Các gói chủ yếu là tài khóa, tiền tệ tín dụng. Việc triển khai rất nhanh gọn, có thời gian cụ thể, 3 tháng hay 7 tháng phải xong.

"Họ chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng. Có tiền phải tiêu để cứu nền kinh tế", ông Lực nói. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, những chương trình hỗ trợ này không phải thực thi một cách bừa bãi mà đi kèm với lộ trình, có sự kiểm soát.

Lưu ý về vấn đề phục hồi nền kinh tế, ông Lực cho rằng cần thống nhất qua mô hình chống dịch. Trong đó làm rõ nội hàm thế nào là sống chung với Covid-19, không để mỗi nơi hiểu một cách khác nhau.

Trước đó phát biểu mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, Việt Nam vừa qua đã và đang chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế chậm lại. GDP quý III âm 6,17%. GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ.

Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ chia sẻ khó khăn người dân, doanh nghiệp. Các gói này chủ yếu là chính sách tài khóa và tiền tệ như thuế phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất…

Ngoài các gói hỗ trợ nêu trên, còn thực hiện miễn giảm điện nước, cước viễn thông, học phí, chi bảo hiểm thất nghiệp… Tổng quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương hơn 2% GDP.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang thực hiện phối hợp với các bộ ngành địa phương xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Nguyễn Mạnh